Âm nhạc đường phố: Mộc mạc mà tươi mới
Không có sân khấu xa cách hay trang trí rườm rà, chương trình “Âm nhạc đường phố” được tổ chức ở khu vực dưới chân cầu Rồng và đường Như Nguyệt (quận Hải Châu) nhiều năm qua luôn mang đến cho khán giả sự thoải mái từ không gian thưởng thức đến tinh thần giải trí vui vẻ, gần gũi…
Tất cả các yếu tố đó cùng hòa quyện để tạo nên nét văn hóa cộng đồng đặc sắc, đã và đang được không ngừng vun đắp.
Âm nhạc xóa nhòa mọi ranh giới
Nhiều năm nay, thi thoảng hoặc vào những buổi tối cuối tuần, vợ chồng tôi lại đèo nhau chạy một vài vòng quanh thành phố để tận hưởng không khí trong lành và ngắm nhịp sống sôi động của thành phố về đêm. Và một trong những điểm dừng chân yêu thích của chúng tôi đó là sân khấu âm nhạc đường phố được tổ chức ở khu vực dưới chân cầu Rồng.
Âm nhạc đường phố là một không gian mở, ở đó, không có những hàng rào che chắn như thường thấy trong các chương trình tạp kỹ hay sự chuẩn mực có phần xa cách của các chương trình nghệ thuật mang tính hàn lâm trong các nhà hát.
Với show Âm nhạc đường phố, người nghệ sĩ trình diễn trên những bục sân khấu lộ thiên, được dựng lên một cách đơn giản với chiều cao chưa tới 1m. Để phục vụ khán giả, ban tổ chức chuẩn bị sẵn những hàng ghế nhựa nhỏ bên dưới, nhưng thông thường, số lượng ghế không lúc nào đủ do lượng khán giả thường đông hơn dự kiến.
Ghế sắp sẵn thường được nhường cho trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, phần khán giả còn lại lựa chọn đứng ở những vị trí khác nhau để xem biểu diễn. Sân khấu ngoài trời với lượng khán giả đông đảo nhưng hầu như không có cảnh chen lấn, mất trật tự mà ai nấy tập trung vào việc thả trôi cảm xúc để tận hưởng một đêm nhạc đúng nghĩa.
Sau những lần thưởng thức các chương trình âm nhạc đường phố bên bờ sông Hàn, nhiều khán giả có chung nhận xét, cái hay của Âm nhạc đường phố chính là sự cởi mở và đa dạng trong phong cách biểu diễn, từ âm nhạc dân gian đến hiện đại, từ nhạc Việt đến nhạc nước ngoài… nên mọi đối tượng khán giả đều có cơ hội để “phiêu” cùng với âm nhạc theo đúng “gu” mà mình yêu thích.
“Tôi rất thích chương trình âm nhạc đường phố và thường dẫn con tới xem các buổi biểu diễn vào dịp cuối tuần. Ngoài được cập nhật những kiến thức âm nhạc mới, đang thịnh hành, tôi còn biết thêm các tác phẩm đang là “hot trend” của giới trẻ. Nhưng thích nhất vẫn là những đêm diễn mà các nghệ sĩ cover (phiên bản hát lại) các nhạc phẩm nổi tiếng, từng gắn bó với nhiều người thuộc thế hệ 7X, 8X. Mỗi lần được nghe lại, tôi vẫn thực sự xúc động”, chị Lê Thị Hoàng Thanh (SN 1983, quận Hải Châu) chia sẻ.
Du nhập vào nước ta từ năm 2000 với những chương trình sôi động ở hai đầu đất nước, âm nhạc đường phố đã mở ra không gian thưởng thức âm nhạc đầy màu sắc, mang tính giải trí cao; kết hợp hài hòa sự dung dị và gần gũi của người nghệ sĩ với khán giả trong một sân khấu mở.
Tại Đà Nẵng, trong ký ức của nhiều nghệ sĩ, ca sĩ trẻ có xuất phát điểm từ các chương trình âm nhạc đường phố, thì âm nhạc đường phố tại đây khởi phát từ những năm đầu 2005 và kéo dài cách thức hoạt động tự phát như vậy cho đến năm 2011, khi chương trình Âm nhạc đường phố được Trung tâm Tổ chức sự kiện và lễ hội Đà Nẵng (trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố lúc ấy, nay là Sở Văn hóa – Thể thao thành phố) hình thành.
Với chương trình Âm nhạc đường phố, các hoạt động văn hóa – văn nghệ đường phố từ chỗ tự phát đã được nâng tầm chuyên nghiệp, trở thành một sự kiện văn hóa, giải trí đặc sắc, sôi động và gần gũi với công chúng. Trở thành “vệ tinh” quan trọng, bổ trợ cho các sự kiện văn hóa lớn do thành phố tổ chức như: Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFC), Điểm hẹn mùa hè…
Qua đó, góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố sự kiện, phục vụ người dân và du khách. Từ đó đến nay, chương trình được duy trì đều đặn một tháng 2 lần vào tuần thứ 2 và thứ 4 của tháng.
Tham gia vào show Âm nhạc đường phố 3-4 năm nay, nhóm nhạc Du ca là gương mặt quen thuộc ở nhiều đêm diễn với những tiết mục chất lượng, góp phần đem đến cho công chúng những bữa tiệc âm nhạc sôi động, trẻ trung, đáp ứng thị hiếu của khán giả, nhất là những khán giả trẻ với các ca khúc hot hit.
Nghệ sĩ Vương Ngọc Ái, nhóm trưởng nhóm nhạc Du ca nhớ lại, vào những năm 2000 đến khoảng 2013, phong trào văn hóa – văn nghệ, giải trí đường phố phát triển mạnh ở Đà Nẵng. Với tinh thần cởi mở, các buổi trình diễn đã thu hút sự tham gia đông đảo của giới trẻ, góp phần thúc đẩy phong trào ca hát cũng như tạo nên những không gian nghệ thuật cho người yêu nhạc cùng đến thưởng thức.
Hiện cả nhóm có 10 thành viên thì có 8 thành viên là các nhạc sĩ, ca sĩ tham gia cố định vào show Âm nhạc đường phố. Sau những lần tạo ấn tượng tốt với khán giả, giờ đây, nhóm nhạc Du ca là thành viên góp mặt thường xuyên tại chương trình.
Ông Nguyễn Chí Trung, Trưởng phòng Sự kiện và Hợp tác văn hóa (Trung tâm Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh TP Đà Nẵng) cho biết, âm nhạc đường phố là chương trình đặc biệt, lấy tinh thần giải trí, tính đại chúng và ngẫu hứng làm trung tâm, tạo nét khác biệt với những chương trình biểu diễn âm nhạc khác. Ở đó, chỉ bằng những nhạc cụ đơn giản, mộc mạc, người nghệ sĩ trình bày những ca khúc có giai điệu trẻ trung, nhẹ nhàng, nhưng không kém phần sôi động.
Các chủ đề được xây dựng linh hoạt tùy theo từng thời điểm. Các thể loại biểu diễn cũng đa dạng như hát, nhảy hiphop, dance, nhảy hiện đại, khiêu vũ… Chương trình có tính tương tác cao khi luôn dành thời lượng nhất định để ca sĩ giao lưu với khán giả, hoặc những người yêu ca hát, nghệ thuật có thể đăng ký các tiết mục tham gia biểu diễn.
Gìn giữ món ăn tinh thần cho người dân và du khách
Âm nhạc đường phố là hoạt động giải trí công cộng phục vụ người dân và du khách tham quan thành phố tồn tại với thời gian lâu nhất cho đến nay, với nguồn kinh phí chủ yếu từ ngân sách Nhà nước được xây dựng hằng năm và nguồn xã hội hóa. Với thời lượng hơn 10 năm được duy trì, Âm nhạc đường phố là một trong những sân khấu âm nhạc chuyên nghiệp hiếm hoi đã khẳng định được uy tín, mang tính cộng đồng cao.
Đây cũng là sân chơi lớn để nghệ sĩ, ban nhạc chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp, các nhóm nhạc, nhóm nhảy sinh viên, phổ thông của các trường trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận thể hiện tài năng; đồng thời, những người đam mê, có khả năng biểu diễn nhạc cụ có cơ hội được đứng trên sân khấu.
Với sự xuất hiện và được duy trì dài hơi, show Âm nhạc đường phố được ví như “bà đỡ” cho các ban, nhóm nhạc hay các nghệ sĩ trẻ có một sân khấu chính thức để nuôi dưỡng và thể hiện tài năng ca hát; góp phần hình thành và duy trì nét văn hóa thưởng thức âm nhạc được nhiều đối tượng người dân và du khách yêu thích.
Với hơn một thập kỷ tồn tại, chương trình Âm nhạc đường phố đã định hình được bản sắc cũng như vị trí trong nền văn hóa nghệ thuật đương đại của thành phố. Để tăng thêm sức hút của chương trình, vài năm trở lại đây, ban tổ chức mời thêm các nghệ sĩ nước ngoài sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng cùng góp mặt. Nội dung chương trình được thay đổi theo từng số và ngày càng phù hợp hơn với thị hiếu của khán giả.
Dẫu vậy, sau hơn một thập kỷ được duy trì, chương trình Âm nhạc đường phố đang gặp một số khó khăn, nhất là vấn đề kinh phí để duy trì tổ chức thường xuyên. “Trong khi nguồn ngân sách còn hạn chế, việc xã hội hóa gặp nhiều khó khăn, khó bảo đảm để chương trình được tổ chức với tần suất thường xuyên hơn, phù hợp với mục tiêu ban đầu đề ra.
Bên cạnh đó, các nhóm nhạc tại Đà Nẵng vẫn chưa đa dạng nên việc tổ chức một chương trình dài hơi vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là ở tiêu chí mới lạ, độc đáo hơn về nội dung. Là chương trình được tổ chức ngoài trời nên yếu tố thời tiết cũng gây nhiều cản trở, ảnh hưởng đến tần suất cũng như kế hoạch tổ chức chương trình… Đầu tư nâng cấp để chương trình lên một tầm cao hơn là nhu cầu thiết thực”, ông Nguyễn Chí Trung bày tỏ trăn trở.
Hiện tại, với sức hấp dẫn và uy tín đã được khẳng định, chương trình Âm nhạc đường phố vẫn được đông đảo khán giả đón nhận, các nghệ sĩ tham gia vẫn giữ được sự và “máu lửa” như những ngày đầu. Và trong khi chờ đợi sự quan tâm, đầu tư hơn nữa từ các cấp ngành thành phố, nhất là hoạt động xã hội hóa, trong ngắn hạn, ban tổ chức chương trình Âm nhạc đường phố vẫn tiếp tục nỗ lực để giữ vững chất lượng các đêm trình diễn, mở rộng thêm những tụ điểm mới với phong cách mới nhẹ nhàng, mộc hơn. Đồng thời, mở rộng đối tượng tham gia, tăng cường hợp tác nhiều hơn với các tổ chức, cá nhân, nhất là đối tượng người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng có khả năng trình diễn nghệ thuật, để đa dạng nội dung chương trình.
KHÁNH HÒA (nguồn baodanang.vn)