Không gian âm nhạc bên bờ sông Hàn

Trên khân sấu nhỏ, mộc mạc với phông nền là ánh đèn lấp lánh của sông Hàn buổi đêm, những điệu nhạc Flamenco du dương, giai điệu Pop Ballad ngọt ngào hay khúc Romance lãng mạn vang lên say mê và đầy cuốn hút. Một đêm diễn của chương trình Âm nhạc đường phố lại bắt đầu...
Những đêm nhạc không khoảng cách
Hơn 10 năm nay, các sân khấu chương trình Âm nhạc đường phố đặt tại khu vực dưới chân cầu Rồng và đường Như Nguyệt (quận Hải Châu) đã trở thành địa điểm tụ họp quen thuộc của nhiều ca sĩ, nhóm nhạc, câu lạc bộ âm nhạc cũng như người yêu nhạc tại Đà Nẵng. Vào tối thứ 7 của tuần thứ hai và thứ tư hàng tháng hay những dịp lễ hội, không gian nơi đây lại trở nên sôi động, thu hút mọi người dừng chân và hòa nhịp theo những giai điệu rộn rã.
Âm nhạc đường phố không mang màu sắc “bác học”, không có sân khấu xa cách hay trang trí hoành tráng. Thay vào đó, nghệ sĩ biểu diễn và khán giả cùng chia sẻ âm nhạc với nhau trong một không gian tối giản, gần gũi, mộc mạc. Không có hàng rào ngăn cách, khoảng cách từ người diễn tới người xem chỉ tầm vài mét khiến cho tất cả như hòa làm một. Đặc biệt, nơi các ca sĩ, nhạc công biểu diễn cũng chính là nền gạch của vỉa hè đường Bạch Đằng, được bao quanh bởi người dân và khách du lịch. Những điều đó càng làm đậm thêm chất đường phố của các đêm diễn, khi khán giả được giao lưu với nghệ sĩ một cách tự nhiên và cũng đầy ngẫu hứng. Với âm nhạc đường phố, khán giả trở thành một phần không thể tách rời. Không chỉ là người đón nhận âm nhạc, sự hứng khởi của họ chính là yếu tố truyền lửa cho người biểu diễn, quyết định sự thành công của đêm diễn.

Một điểm nổi bật nữa tạo nên sự khác biệt của âm nhạc đường phố với các chương trình biểu diễn khác chính là đối tượng tham gia biểu diễn. Đó có thể là các nghệ sĩ, ban nhạc, nhóm nhảy chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp; hay thành viên của các câu lạc bộ âm nhạc, các nhóm nhạc, nhóm nhảy của các trường trên địa bàn thành phố; là các nghệ sĩ nước ngoài sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng, hay đơn giản chỉ là những người đam mê âm nhạc, có khả năng biểu diễn… Họ góp phần tạo nên sự pha trộn của rất nhiều những âm hưởng khác nhau,với sự kết hợp đa dạng giữa các dòng nhạc dân gian và đương đại, hòa quyện với thanh âm của phố phường…
Mỗi đêm diễn của chương trình Âm nhạc đường phố sẽ có kịch bản khác nhau với nhiều phong cách âm nhạc, từ các tác phẩm hòa tấu, độc tấu nổi tiếng trên thế giới được biểu diễn bằng các nhạc cụ dân tộc Việt Nam như đàn tranh, đàn bầu, sáo trúc cho đến những ca khúc dân gian được thể hiện nhuần nhuyễn qua các nhạc cụ phương Tây như violin, guitar, kèn trumpet, trống… Bên cạnh những dòng nhạc quen thuộc như Acoustic, Rock, Ballad… khán giả còn được thưởng thức các tác phẩm có giai điệu Flamenco, Tango, Guitar Classic, Beatbox… Ngoài ra, chương trình còn mang đến cho người xem những màn biểu diễn độc đáo của các loại hình nghệ thuật đường phố như nhảy hiphop, trượt patin, bóng đá nghệ thuật…, thu hút hàng trăm khán giả đến giao lưu, giải trí mỗi đêm, bao gồm cả khách du lịch trong và ngoài nước.

Âm nhạc đường phố mang đến một không gian giải trí, giao lưu nghệ thuật vô cùng hấp dẫn, mới mẻ, kết nối không giới hạn những tâm hồn đồng điệu.

Hơn một thập kỷ phát triển đầy thăng trầm
Năm 2011, số đầu tiên của chương trình Âm nhạc đường phố được Trung tâm Tổ chức sự kiện và lễ hội (trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố trước đây, nay là Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng) tổ chức biểu diễn trên vỉa hè đường Bạch Đằng. Đêm diễn  trở thành cột mốc đánh dấu hoạt động văn hóa văn nghệ đường phố từ chỗ hoạt động tự phát đã được nâng lên tầm chuyên nghiệp, quy củ hơn. Như đúng kỳ vọng của đơn vị tổ chức, Âm nhạc đường phố đã mở ra một sân chơi mới, một điểm hẹn giao lưu nghệ thuật cho những đối tượng yêu thích âm nhạc và các loại hình nghệ thuật đường phố, thu hút đông đảo người dân và du khách; đồng thời trở thành hoạt động “đinh” trên trục lễ hội hai bên bờ sông Hàn, bổ trợ cho các sự kiện văn hóa lớn do thành phố tổ chức như Điểm hẹn mùa hè, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF), Lễ hội Carnival đường phố…
Âm nhạc đường phố tại Đà Nẵng là mô hình nghệ thuật đường phố phi lợi nhuận, hoạt động giải trí công cộng phục vụ người dân và du khách không thu phí, nhưng mỗi chương trình đều được đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng với mục tiêu mang đến cho khán giả những tiết mục âm nhạc thật sự chất lượng và hấp dẫn.


Đồng hành từ những số đầu của chương trình, ông Nguyễn Chí Trung, Trưởng phòng Sự kiện và Hợp tác văn hóa (Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh thành phố Đà Nẵng) – đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức chương trình chia sẻ: Chương trình Âm nhạc đường phố mặc dù đã tổ chức được hơn 12 năm nhưng vẫn luôn nhận được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của đa dạng các đối tượng khán giả. So với ngày đầu, khung nội dung của chương trình hầu như không thay đổi, còn phong cách âm nhạc thì được đổi mới theo từng số để phù hợp với thị hiếu âm nhạc của khán giả.
Trong thời gian đến chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng thêm địa điểm tổ chức chương trình Âm nhạc đường phố, ưu tiên vẫn là các địa điểm dọc hai bên bờ sông Hàn. Trên nền tảng chương trình hiện có, sẽ định hướng mở rộng thêm mô hình dạng tụ điểm âm nhạc với hình thức đơn giản hơn và biểu diễn vào ban ngày, phục vụ nhu cầu đa dạng hơn cho người dân và du khách. Về nội dung, chương trình sẽ được bổ sung thêm nhiều thể loại mới như: nhạc Jazz, nhạc cổ điển, biểu diễn nhạc cụ đơn thuần… Đặc biệt sẽ tìm kiếm thêm nhiều thành viên có đam mê và khả năng biểu diễn các loại hình nghệ thuật khác nhau, nhất là khách du lịch nội địa, quốc tế nhằm đa dạng hóa nội dung chương trình”, ông Trung cho biết.
Tuy là chương trình văn hóa, nghệ thuật nổi bật và có “tuổi đời” lâu năm của thành phố, nhưng hiện tại việc duy trì tổ chức vẫn gặp không ít thử thách. Việc kêu gọi kinh phí xã hội hóa gặp nhiều khó khăn do tình hình kinh tế chung, dẫn đến những hạn chế trong việc tăng tần suất biểu diễn như mục tiêu ban đầu mà chương trình đề ra. Bên cạnh đó, đội ngũ ca sĩ, nhóm nhạc tại Đà Nẵng chưa phát triển đa dạng nên việc làm mới cho một chương trình “dài hơi” như Âm nhạc đường phố vẫn là thách thức đối với đơn vị tổ chức. Do đặc trưng của âm nhạc đường phố được tổ chức ngoài trời nên yếu tố thời tiết cũng ảnh hưởng nhiều đến tần suất cũng như kế hoạch tổ chức chương trình…
Thành phố Đà Nẵng đã có kế hoạch thí điểm tổ chức phố đi bộ Bạch Đằng, với mục tiêu tạo sản phẩm du lịch mới về đêm, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ để thu hút khách du lịch. Khi tuyến phố đi vào hoạt động thì sân khấu của Âm nhạc đường phố sẽ trở thành điểm nhấn quan trọng, không chỉ là sân chơi của những người yêu nhạc mà còn góp phần làm đa dạng, gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch. Do đó, việc quan tâm đầu tư, tiếp tục phát triển hoạt động này rất cần thiết và hứa hẹn tiếp tục mang đến những sản phẩm du lịch giải trí chất lượng cho thành phố sông Hàn.

Kiều Thu (tạp chí du lịch)

 

Dark mode