Đội ngũ những người làm văn hoá ở Hội An

Từ lâu, thành phố Hội An (Quảng Nam) là điểm sáng về hoạt động văn hoá, là nơi kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo tồn di sản với phát triển du lịch, làm cho thành phố phát triển một cách bền vững. Đội ngũ những người làm công tác văn hoá có năng lực, có trình độ, lại được lãnh đạo tin tưởng, trọng dụng là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho hoạt động văn hoá nơi đây không ngừng phát triển.
Lĩnh vực văn hoá có đặc điểm phổ biến là khá trừu tượng. Cái được hoặc chưa được của văn hoá, khó mà nhận biết ngay như ở lĩnh vực kinh tế. Kết quả của hoạt động văn hoá ngày hôm nay thường có nguyên nhân từ xa, có khi rất xa về trước; và những hoạt động văn hoá hôm nay có khi thật lâu về sau mới thấy rõ.
Bản sắc văn hoá Hội An luôn có sức hút mạnh mẽ với du khách trong và·ngoài·nước (Ảnh: Khánh Chi)
Rồi những kết quả của hoạt động văn hoá cũng không dễ gì cân đong đo đếm một cách cụ thể được, bởi nó thuộc lĩnh vực tư tưởng, tinh thần. Chính vì đặc điểm này mà nhiều nơi rất dễ dãi, rất chủ quan trong việc phân công, bố trí, sử dụng đội ngũ những người làm công tác văn hoá. Họ nghĩ rằng ai cũng có thể làm văn hoá được, thậm chí cán bộ khi hết chỗ để phân công, bố trí rồi thì đưa về làm công tác văn hoá, và nói như cố Giám đốc Sở Văn hoá- Thông tin tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng: “Chuột chạy cùng sào mới vào văn hoá!”. Theo quan sát của tôi thì điều đó không hoặc chưa xảy ra ở thành phố Hội An. Từ khá lâu, nơi đây có kế hoạch, có chiến lược bài bản về đội ngũ những người làm việc trên lĩnh vực văn hoá.
Là người từng làm công tác văn hoá từ cấp huyện lên cấp tỉnh, tôi thân quen phần lớn các anh chị và các bạn làm công tác văn hoá ở Hội An từ những năm 80, 90 của thế kỉ trước. Tôi quen với các anh Nguyễn Văn Phi, Nguyễn Đức Minh, các bạn Hồ Tấn Cường, Nguyễn Chí Trung, Trần Văn An, Trần Ánh… ở Trung tâm quản lý, bảo tồn di sản văn hoá Hội An. Đây là những người thực sự có năng lực, có trình độ và đặc biệt là rất tâm huyết trên lĩnh vực bảo tồn di sản văn hoá, cả di sản văn hoá vật thể và phi vật thể. Nhờ lãnh đạo Hội An qua các thời kỳ biết trọng dụng đội ngũ này nên anh chị em luôn nỗ lực làm việc, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất nhiều chủ trương hợp lý để bảo tồn phố cổ, giúp Hội An trở thành một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị. Có lẽ trong cả nước và khu vực Đông Nam Á, không đâu hơn được Hội An về điểm này. Nhờ vậy mà Hội An luôn có sức hút mạnh mẽ với du khách, cả trong nước lẫn quốc tế.
Trong khi thu hút du khách để phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân thì một vấn đề đặt ra là làm sao để vừa bảo tồn được di tích vừa phát triển được kinh tế? Việc xử lí mối quan hệ này không hề giản đơn, và trong thực tế nhiều nơi rất lúng túng. Khư khư bảo vệ di tích, không cho ai tiếp cận di tích, hiện vật, kể cả không được sửa chữa nhà cửa khi xuống cấp thì du khách sẽ xem cái gì? Ngược lại, nếu đặt mục tiêu phát triển dịch vụ du lịch lên hàng đầu thì nguy cơ huỷ hoại di tích, di sản sẽ diễn ra, khiến du lịch cũng không thể phát triển một cách bền vững. Hội An đã xử lý mối quan hệ này một cách hợp lí, hài hoà bằng cách coi di tích, di sản là tài nguyên của du lịch, và yêu cầu các hoạt động du lịch phải tôn trọng và có trách nhiệm vơi di sản văn hoá. Nhờ xử lí tốt mối quan hệ này mà đến nay Hội An vẫn quản lý, bảo tồn khá tốt cả quần thể phố cổ và trên 1300 di tích lớn nhỏ bên trong, đồng thời thu hút hàng triệu du khách đến với Hội An, đem lại nguồn thu to lớn cho thành phố và cho người dân. Được biết, trước đại dịch Covid-19, Hội An thu hút 5 triệu khách du lịch, trong đó có trên 3,7 triệu du khách quốc tế. Nay thì du lịch Hội An đang từng bước hồi sinh và nhiều hứa hẹn phát triển mạnh mẽ trở lại.
Nghệ thuật Bài Chòi được bảo tồn và phát huy mạnh mẽ tại Hội An (Ảnh: Khánh Chi)
Tôi tin chắc rằng, trong việc chỉ đạo xử lý tốt mối quan hệ giữa bảo tồn di tích và phát triển du lịch của lãnh đạo Hội An, có sự tham mưu, đề xuất của đội ngũ những người làm văn hoá nói chung, làm công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hoá nói riêng ở Hội An. Ngoài ra, các bạn còn là những nhà nghiên cứu chuyên sâu về Hội An với những công trình có trị khoa học và thực tiễn như Kiến trúc nhà gỗ Hội An (Trần Ánh), Cư dân Faifo- Hội An (Nguyễn Chí Trung), Di sản văn hoá – văn nghệ dân gian Hội An, Biển đảo trong văn hoá, văn nghệ dân gian Hội An (Trần Văn An), Tư liệu Hán Nôm Hội An, Cảng Minh Hương ở thương cảng Hội An thế kỉ XVII, XVIII, Lễ hội Lễ Lệ Hội An (nhiều tác giả)… Trong khi đó, ở Trung tâm Văn hoá – Thể thao Hội An thì các bạn Võ Phùng, Phùng Tấn Đông, Phạm Phú Sương là những tên tuổi hoạt động văn hoá miệt mài, có nhiều đóng góp nổi bật, nhất là trong việc phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, trong hoạt động lễ hội. Trong khi hoạt động lễ hội ở nhiều địa phương diễn biến rất phức tạp, bát nháo như thực dụng, mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh…, thì hoạt động này ở Hội An rất có nề nếp, được quản lý rất chặt chẽ và luôn sôi động, hấp dẫn, giàu bản sắc. Bên cạnh các lễ hội truyền thống như tế Cá Ông, kính ngưỡng Thành hoàng làng, tưởng niệm Tổ sư ngành nghề, lễ hội Long Chu, là những lễ hội mới gắn với đặc điểm phố cổ như “Đêm rằm phố Hội”, “Trang phục Hội An- ký ức thời gian”, “Hoà tấu âm nhạc quốc tế”… Những lễ hội và hình thức biểu diễn phong phú, đa dạng, có cũ có mới này thể hiện một Hội An có bề dày lịch sử với sự gặp gỡ, giao thoa, tiếp biến của nhiều nền văn hoá khác nhau cùng một Hội An hôm nay rất năng động, sáng tạo và là nơi “nhân tình thuần hậu”. Điều cũng rất đáng ghi nhận là trong hầu hết các hoạt động văn hoá, lễ hội, Hội An luôn coi trọng vai trò của người dân địa phương, tổ chức cho họ trở thành chủ thể thể của các hoạt động văn hoá và lễ hội, và qua đó, tạo điều hiện cho họ được hưởng lợi chính đáng từ việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá trên quê hương mình.
Vừa qua, nghệ thuật Bài Chòi miền Trung được UNESSCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, nhưng phải nói ngay rằng, nơi bảo tồn và phát huy tốt nhật di sản này chính là Hội An. Hội An có tầm nhìn xa và có chủ trương khôi phục loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này ngay từ đầu những năm 80 của thế kỉ trước. Anh Võ Phùng- nguyên Giám đốc Trung tâm VH – TT Hội An nhớ lại: “Năm 1983, anh Nguyễn Đức Minh- Chủ nhiệm và chú Trần Sung, cán bộ Nhà Văn hoá mở lớp dân ca đầu tiên sau ngày giải phóng, và người truyền nghề là anh Nguyễn Hải Nam- Trưởng phòng Văn hoá – Thông tin Duy Xuyên. Các thế hệ hô – hát Bài chòi dần dà trưởng thành và truyền nghề từ đây. Đó là việc lần lượt xuất hiện các nghệ sĩ- nghệ nhân theo mạch chảy ngọt ngào cho đến bây giờ như Đình Châu, Ngọc Huệ, Lương Đáng, Thu Hương, Lệ Nga, Hồng Hoa, Thuỷ Trúc,, Minh Nhanh, Dương Quý, Phương Thuỷ, Thu Sang, Thu Ly, Kim Anh, Minh Hương… Bên cạnh đội ngũ diễn viên là sự đóng góp đáng kể trong việc sưu tầm lời cổ, cải biên, sáng tác lời hô mới, sáng tạo phương thức trình diễn của nhạc sĩ Trương Đình Quang, các tác giả, soạn giả Ngọc Kỳ, Pạm Phú Sương, Trần Văn Nhân, Phùng Sơn, Lương Đáng…”. Như vậy đó, hoa thơm trái ngọt của nghệ thuật Bài Chòi tại Hội An hôm nay là kết quả từ những bàn tay gieo trồng rồi bền bỉ chăm sóc từ suốt nhiều thập kỉ trước.
Sẽ là thiếu sót nếu nói đội ngũ những người làm văn hoá Hội An mà không nhắc đến Phùng Tấn Đông. Gọi anh là nhà gì nhỉ? Nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhà văn hoá… đều đúng. Cùng với Võ Phùng, anh gắn và để lại dấu ấn trong hầu hết các hoạt động văn hoá, văn nghệ của phố cổ Hội An suốt ba, bốn chục năm nay. Lĩnh vực nào cũng có cái khó riêng của nó. Ai đó cho rằng làm công tác văn hoá rất dễ, ai làm cũng được, thì thực ra họ chẳng hiểu gì về văn hoá. Ở Hội An, theo tôi, điều đó không hoặc chưa xảy ra, nếu có thì cũng là hy hữu. Ở Hội An, những người làm văn hoá được ghi nhận, được đánh giá cao, được trọng dụng, và nhờ vậy mà anh chị em toàn tâm, toàn ý cống hiến tài năng, trí tuệ cùng tất cả sư nhiệt huyết của mình cho sự phát triển của Hội An. Rất vui vì trong số đó, có các bạn tôi.

NSND HUỲNH HÙNG

Dark mode