Hội nghị văn hóa toàn quốc nhằm khơi dậy khát vọng dân tộc
Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 được tổ chức sau 75 năm kể từ hội nghị lần thứ nhất, “nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc”, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng.
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 được tổ chức theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, sẽ diễn ra vào ngày 24/11, nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII về văn hóa.
Điều đặc biệt, theo ông Hùng, là hội nghị lần này diễn ra vào dịp kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị văn hóa lần thứ nhất, do vậy “được kỳ vọng sẽ khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam…”.
600 đại biểu sẽ tham dự hội nghị tại hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội) gồm lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các bộ, ngành; văn nghệ sĩ và đại diện lãnh đạo tổ chức chính trị – xã hội… Hội nghị còn được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành và có thể mở rộng đến tận các xã, phường, thị trấn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay, nội dung trọng tâm xuyên suốt của hội nghị chính là dẫn luận, hệ thống lại các quan điểm của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa… “Chúng ta sẽ có cơ hội nhìn lại một cách sâu sắc hơn qua 35 năm đổi mới đã có những thành tựu gì và đang tồn tại khó khăn, yếu kém nào?”, ông nói.
Qua hội nghị, các cơ quan sẽ rút ra được những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, để có nhận thức đúng đắn với yêu cầu đặt ra là “xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới trên trục xuyên suốt là phát triển văn hóa, con người Việt Nam, trọng tâm chính là khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường”.
“Chúng ta phải xác lập để xây dựng hệ sinh thái văn hóa mà bao trùm xuyên suốt là xây dựng cho được một môi trường văn hóa, tiếp cận theo hướng chọn việc, chọn điểm, chọn lĩnh vực và ưu tiên vấn đề văn hóa doanh nghiệp và doanh nhân”, ông Hùng nói.
Ông cũng nhấn mạnh, sau hội nghị, “chúng ta phải tập trung thực hành để triển khai hệ giá trị con người Việt Nam mà Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra. Đó là con người Việt Nam yêu nước, trọng lẽ phải, giàu tình thương, sáng tạo và có khát vọng xây dựng đất nước”.
Hội nghị lần này sẽ dành thời gian để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quán triệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Một trong những nhiệm vụ chiến lược này đặt ra là nâng cao nhận thức của người dân về phát triển văn hóa. Bộ sẽ rà soát các quy định, phát hiện điểm nghẽn để bổ sung, hoàn thiện theo cách tiếp cận xây dựng luật không chỉ là công cụ quản lý mà còn tạo ra động lực phát triển.
Ông Hùng lấy dẫn chứng, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) vừa được xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, đã được xây dựng theo hướng mới, coi điện ảnh không chỉ là loại hình văn hóa nghệ thuật mà còn là ngành công nghiệp văn hóa.
Theo ông, lâu nay có biểu hiện trong nhận thức, đó là văn hóa chỉ là văn nghệ hay văn hóa là nghệ thuật. Điều này đúng nhưng không đủ. Vì vậy, “chúng ta cần phải tập trung ưu tiên cho các nhóm ngành văn hóa có điều kiện”. “Nếu nhìn sang các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản thì chúng ta thấy Việt Nam có đủ điều kiện để ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP vào năm 2030”, Bộ trưởng Hùng nói.
Từ góc độ nghiên cứu lịch sử, ông Dương Trung Quốc cho rằng Hội nghị văn hóa toàn quốc lần này là dịp nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam mấy chục năm nay. Trong đó, có một số mốc lịch sử như vào năm 1943, Đảng đã thông qua bản Đề cương văn hóa Việt Nam do Tổng bí thư Trường Chinh soạn thảo, nêu lên nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa trong xây dựng nền văn hóa mới…
Tiếp đó, vào ngày 24/11/1946, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu nhiệm vụ của văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm cơ sở, đồng thời phải tiếp thu kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với ba tính chất: dân tộc, khoa học, đại chúng…
Hơn 200 nhà hoạt động văn hóa đại diện cho các phong trào trên toàn quốc, cùng đại diện Chính phủ, Ủy ban Thường trực Quốc hội đã tham dự Hội nghị lần thứ nhất trong hoàn cảnh đặc biệt, khi Việt Nam mới giành được độc lập và quân Pháp chuẩn bị quay lại nổ súng tại miền Bắc.
Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai diễn ra từ 16 đến 20/7/1948, tại Phú Thọ, khi cả nước đang trường kỳ kháng chiến chống Pháp. Mục tiêu của hội nghị là đề ra đường lối, nhiệm vụ và phương châm công tác văn hóa; đoàn kết những hoạt động văn hóa thành một mặt trận nhằm phục vụ kháng chiến, xây dựng nền văn hóa Việt Nam…
Ông Dương Trung Quốc phân tích, nhìn lại chặng đường mấy chục năm qua, hay gần đây là đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư đã cho thấy nhiều mặt tích cực và tiêu cực, điểm mạnh và điểm yếu của văn hóa Việt Nam. Bên cạnh tinh thần tương thân tương ái, tình nghĩa đồng bào thể hiện rất rõ trong lúc khó khăn, thì vẫn còn đó những sai phạm, tiêu cực.
“Văn hóa được đề cập trong hầu hết văn bản quan trọng, với vai trò là nền tảng, là trung tâm, ngang bằng với kinh tế – chính trị. Nhưng làm thế nào để văn hóa đi vào đời sống là bài toán khó”, ông Quốc chia sẻ quan điểm.
Theo ông, Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 diễn ra trong bối cảnh nhiều vấn đề về văn hóa “đã bộc lộ nhưng chưa tìm ra nguyên nhân và giải pháp”. Vì vậy, ông mong muốn các đại biểu sẽ dành thời gian để phân tích, đi sâu vào các vấn đề thay vì “chỉ nói đến thành tựu”. Ông dẫn chứng, “văn hóa Việt Nam hiện nay đang bị xơ cứng, mất tính sáng tạo, nhiều năm liên tục vắng bóng tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn…”.
“Phải làm sao để đưa dân chủ vào trong văn hóa, phát huy tính sáng tạo của các nghệ sĩ. Đây cũng là giải pháp căn cơ thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam”, ông Quốc nêu quan điểm và kỳ vọng hội nghị sẽ đưa ra những quan điểm lớn để tiếp tục “mở đường cho văn hóa”.
Viết Tuân (Báo VN Express)
Sưu tầm: Ngọc Thoa