Khai thác giá trị di tích văn hóa, lịch sử

Thời gian qua, thành phố triển khai và có chủ trương đầu tư các dự án trùng tu, tôn tạo di tích văn hóa, lịch sử. Các di tích này không chỉ đáp ứng nhu cầu giáo dục truyền thống cho nhân dân mà còn tạo nên điểm đến độc đáo, phục vụ khách du lịch.

Sau khi được trùng tu, tôn tạo, thành Điện Hải dự kiến là điểm nhấn trong cảnh quan đô thị khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN SƠN

Dấu ấn di tích văn hóa

Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn trải dài trên diện tích rộng lớn khoảng gần 2km2, gồm 6 ngọn núi đá vôi: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Thổ Sơn, Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn với vẻ đẹp kỳ vĩ. Ngoài vẻ đẹp hiếm có, những văn bia, hiện vật văn hóa Phật giáo… đang còn lưu giữ tại danh thắng cho thấy Ngũ Hành Sơn là mảnh đất có lịch sử lâu đời, vốn là một trung tâm cư trú, giao thương và trung tâm tín ngưỡng của người Chăm – cư dân bản địa trong lịch sử; sau khi thuộc về Đại Việt, nơi đây trở thành trung tâm Phật giáo quan trọng.

Với giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan, khảo cổ, ngày 24-12-2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1820/QĐ-TTg xếp hạng di tích cấp quốc gia Danh thắng Ngũ Hành Sơn (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) là di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng Ban quản lý khu di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn cho hay, những năm qua, đây luôn là điểm đến không thể thiếu trong chương trình tour của du khách trong nước và quốc tế. Trước thời điểm Covid-19 bùng phát, mỗi năm danh thắng đón trung bình gần 2 triệu lượt khách đến tham quan. Ghi nhận từ ý kiến của du khách, các đơn vị lữ hành cho thấy, bất kỳ ai đến di tích đều thích thú với việc khám phá các hang động, ngắm cảnh chùa chiền. Tuy nhiên, để nơi đây trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, chúng ta cần khai thác yếu tố văn hóa tâm linh như: hình thành câu chuyện ra đời núi ngũ hành, hình tượng Quán Thế Âm, văn hóa Phật giáo…

Trao đổi về đầu tư di tích cấp quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn cũng như nâng tầm điểm đến này trong thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) thành phố cho biết, ngày 16-4-2020, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 519/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn. Hiện thành phố đang triển khai lập quy hoạch di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn, bám sát theo nội dung nhiệm vụ được phê duyệt trên phạm vi khu vực di tích được xếp hạng gần 105ha. Trong đó, chú trọng nghiên cứu khảo sát hệ thống di tích, đánh giá tác động tới không gian kiến trúc cảnh quan, bảo tồn và phát huy giá trị di tích với phát triển du lịch.

Đặc biệt, xác định đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di tích như tiềm năng khai thác di tích trong hành trình Con đường di sản miền Trung; giá trị cấu trúc quy hoạch, nền cảnh thiên nhiên, không gian và cảnh quan; giá trị di sản văn hóa phi vật thể; nghề thủ công truyền thống; lễ hội trong khu vực. Đồng thời, xác định ranh giới khu vực bảo vệ di tích; kiến nghị về việc điều chỉnh mở rộng hoặc thu hẹp khu vực bảo vệ di tích nhằm tạo lập không gian chuyển tiếp giữa các điểm di tích trong tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan phường Hòa Hải, sông Cổ Cò và các khu vực phụ cận.

“Công tác quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn là nhiệm vụ thuộc dự án Công viên Văn hóa Ngũ Hành Sơn. Sau khi quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (dự kiến trong tháng 8-2021), Sở VH&TT sẽ tham mưu UBND thành phố thực hiện các nội dung tiếp theo”, ông Phạm Tấn Xử, Giám đốc Sở VH&TT cho biết.

Nâng tầm các di tích lịch sử

Lịch sử vùng đất Đà Nẵng gắn liền với những di tích xuyên suốt trong kháng chiến chống ngoại xâm như: di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải, di tích quốc gia nghĩa trủng Hòa Vang, di tích quốc gia nghĩa trủng Phước Ninh, di tích quốc gia Khu căn cứ cách mạng K20, di tích cấp thành phố Khu căn cứ lõm B1 Hồng Phước… Đây là các di tích lịch sử được thành phố quan tâm bảo tồn, phát huy trong thời gian qua.

Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 (2017-2019) dự án trùng tu, tôn tạo di tích thành Điện Hải, năm 2020, HĐND thành phố thông qua nghị quyết về việc quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải giai đoạn 2 (2019-2022). Ở giai đoạn 2, dự án di dời Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi thành Điện Hải và tiến hành tôn tạo, phục hồi các yếu tố gốc trong khu vực nội thành, gồm những công trình đã có ở thành trong lịch sử như nhà kho, kho thuốc súng, kỳ đài, vọng lâu… và nghiên cứu xây dựng không gian tưởng niệm các anh hùng, nghĩa sĩ đã hy sinh, xây dựng các khu phụ trợ phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích.

Theo Sở VH&TT thành phố, sau khi được đầu tư hoàn thiện, thành Điện Hải sẽ thành điểm nhấn cảnh quan trong quảng trường trung tâm thành phố. Đồng thời, tái hiện sinh động quá khứ hào hùng của quân và dân Đà Nẵng trong những ngày đầu kháng Pháp. Dự kiến nơi đây sẽ trở thành một điểm tham quan, du lịch hấp dẫn của Đà Nẵng, vừa là điểm đến lý tưởng cho nhân dân, du khách, vừa phục vụ các nhà nghiên cứu.

Đồng thời, theo Công văn số 2437/UBND-ĐTĐT ngày 13-4-2020 của UBND thành phố, hai di tích nghĩa trủng Hòa Vang, nghĩa trủng Phước Ninh được đầu tư, mở rộng giai đoạn 2020-2025. Cụ thể, mở rộng nghĩa trủng Hòa Vang ra đến hết khu đất của Bệnh viện Y học cổ truyền hiện nay và triển khai đầu tư khu vực cảnh quan, công viên, tưởng niệm kết nối với nghĩa trủng.

Đối với nghĩa trủng Phước Ninh, khu đất nằm ở mặt tiền tuyến đường Nguyễn Văn Linh và tuyến đường Hoàng Diệu với diện tích 3.196m2 giáp với nghĩa trủng hiện nay (vốn dĩ là đất của khu di tích nghĩa trủng Phước Ninh trước đây), nay được đầu tư khu công viên cây xanh kết hợp bảo vệ, phát huy giá trị khu di tích.

NSND Huỳnh Hùng, nguyên Giám đốc Sở VH&TT thành phố nhìn nhận, di tích văn hóa, lịch sử ở Đà Nẵng một thời gian dài chưa được phát huy cả trong giáo dục truyền thống lẫn trong phục vụ du lịch. Nhiều di tích quan trọng bị xâm hại nặng nề như thành Điện Hải, Hải Vân Quan, nghĩa trủng Phước Ninh… Những năm gần đây, thành phố có ý thức và trách nhiệm hơn về việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích; nhờ đó, nhiều di tích sống dậy, hòa vào cuộc sống hiện đại, từng bước phát huy giá trị.

NSND Huỳnh Hùng cho rằng, di sản văn hóa, lịch sử là nguồn tài nguyên, sản phẩm quan trọng của du lịch. Nếu bảo tồn di sản mà không phát huy, không vì lợi ích cộng đồng thì việc bảo tồn sẽ không bền vững. Ngược lại, nếu khai thác tùy tiện vì du lịch sẽ đánh mất tài nguyên di sản. Do vậy, hoạt động du lịch phải có trách nhiệm góp phần bảo tồn di sản nhằm phát triển du lịch bền vững.

“Chúng ta cũng cần xác định các di tích đó không chỉ phục vụ du lịch mà phải là những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cho người dân, đặc biệt thế hệ trẻ. Bởi khi kinh tế, mặt bằng nhận thức cùng mức sống ngày một nâng lên, người ta bắt đầu hướng về những giá trị văn hóa, lịch sử”, NSND Huỳnh Hùng lưu ý.

NGỌC HÀ

Nguồn baodanang.vn

Để lại một bình luận

Dark mode