Lên phương án đón khách du lịch trở lại
Để chuẩn bị cho các hoạt động du lịch trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát, ngành du lịch thành phố đã xây dựng 2 phương án đón và phục vụ khách nội địa, khách quốc tế trong tình hình mới để trình UBND thành phố. Việc xây dựng các phương án để khai thác lại các thị trường khách là hết sức cần thiết để sớm khởi động trở lại hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố.
Phương án cho từng thị trường khách
Đại diện Sở Du lịch cho biết, phương án “Đón và phục vụ khách du lịch nội địa” được chia làm 4 giai đoạn: đón khách du lịch tại chỗ trong phạm vi thành phố (từ ngày 20-10-2021); đón khách các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng (từ tháng 11-2021) theo tour/combo khép kín qua các công ty lữ hành; đón khách du lịch nội địa từ các tỉnh, thành phố khác trong cả nước khi đã kiểm soát dịch (dịp Tết Dương lịch 2022); đi tour/combo trọn gói khép kín do công ty lữ hành khai thác và quản lý. Các cơ sở dịch vụ tham gia phục vụ tour trọn gói phải bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch, điều kiện cơ sở vật chất, nhân viên…; hoạt động du lịch bình thường khi hoạt động đi lại được cho phép giữa các địa phương và cả nước theo cấp độ bình thường mới.
Để triển khai phương án này, khách du lịch là người dân trên địa bàn thành phố cần có chứng nhận đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin phòng Covid-19 sau 14 ngày (trừ người dưới 18 tuổi và một số đối tượng không thể tiêm chủng thì theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền); thực hiện nghiêm quy định 5K; có mã QR và phải sử dụng mã QR khi tham gia các dịch vụ du lịch đối với khách từ các địa phương đến Đà Nẵng.
Với khách du lịch nội địa từ các địa phương: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng đã tiêm 2 mũi vắc-xin, không test nhanh và không cách ly, nhưng bắt buộc đi theo tour/combo trọn gói khép kín qua công ty lữ hành. Khách dưới 18 tuổi có giấy chứng nhận xét nghiệm nhanh kết quả âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi tham gia chương trình du lịch, không đến từ các địa phương có dịch, khai báo y tế khi đến Đà Nẵng để được cấp mã QR sử dụng các dịch vụ. Khách du lịch, doanh nghiệp lữ hành có trách nhiệm chi trả các chi phí khám, chữa bệnh, xét nghiệm trong toàn bộ thời gian lưu trú tại Đà Nẵng (nếu có) và chi phí phát sinh liên quan đến lưu trú, đi lại, ăn uống trong thời gian phải thực hiện cách ly do tiếp xúc gần với người nhiễm (nếu có).
Đối với phương án “Thí điểm đón và phục vụ khách quốc tế đến Đà Nẵng trong tình hình bình thường mới” chia thành 3 giai đoạn: từ tháng 11-2021 đón khách quốc tế và Việt kiều (đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ) đi theo mục đích thương mại, công vụ, thăm thân; nhập cảnh Đà Nẵng, cách ly tập trung 7 ngày, sau đó cách ly tại nhà; có doanh nghiệp bảo lãnh và quản lý khi vào Việt Nam. Khách lưu trú tại khách sạn được thành phố ra quyết định thiết lập làm cơ sở cách ly có thu phí. Giai đoạn 2, từ tháng 1-2022, đón khách quốc tế (hộ chiếu vắc-xin, xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ, bảo hiểm y tế quốc tế…) đi theo mục đích du lịch tour trọn gói, khép kín tham quan du lịch Đà Nẵng và Hội An. Công ty lữ hành quốc tế bảo lãnh và quản lý khi vào Việt Nam.
Các cơ sở dịch vụ tham gia phục vụ tour trọn gói phải bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch, điều kiện cơ sở vật chất, nhân viên… Giai đoạn 3 là khi Chính phủ cho phép khôi phục lại các đường bay quốc tế kèm các điều kiện về phòng, chống dịch theo quy định. Với phương án này, tùy tình hình thực tế, các thị trường tiềm năng và cho phép công dân đi nước ngoài, có độ an toàn cao về phòng, chống dịch tại một số khu vực như: Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ, châu Úc, Trung Đông, Nga…
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh, để triển khai các phương án đón khách, cần có các điều kiện đi kèm như đạt được thỏa thuận về hộ chiếu vắc-xin đối với các thị trường khách; cho phép Đà Nẵng được thí điểm triển khai phương án với mô hình tour trọn gói khép kín, tách biệt không tiếp xúc cộng đồng, người dân, chỉ tiếp xúc với người lao động du lịch phục vụ tại các cơ sở đủ điều kiện phục vụ được cấp phép. Ngoài ra, cần có các điều kiện đi kèm đối với thành phố Đà Nẵng; điều kiện đối với khách; điều kiện đối với doanh nghiệp, đơn vị tham gia phục vụ đón khách; điều kiện đối với nhân viên phục vụ; hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, cơ sở dịch vụ; điều kiện về dịch vụ; chi phí liên quan, quy trình thực hiện, phương án khi có trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2…
Mở cửa trở lại theo tiến độ cấp phép
Thực tế hiện nay, trước tác động của dịch bệnh, việc khai thác khách du lịch trở lại thành phố sẽ có nhiều khó khăn, thách thức.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội khách sạn Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng cho rằng, sau thời gian dài đóng cửa vì dịch bệnh như hai năm gần đây, các cơ sở lưu trú cũng sẵn sàng mở cửa để đón khách trong một giới hạn nhất định. Theo đánh giá của ông Quỳnh, sau một thời gian giãn cách xã hội dài ngày ở nhà, người dân Đà Nẵng sẽ tìm đến các cơ sở lưu trú thích hợp để nghỉ ngơi. Tuy nhiên, khách sẽ không nhiều vì hiện nay Đà Nẵng đang vào mùa mưa, biển động, hạn chế nhu cầu vui chơi. Nhưng nếu có nhu cầu, người dân có thể trải nghiệm không gian trong các khu nghỉ dưỡng. Việc mở cửa này sẽ giúp các cơ sở lưu trú khởi động cùng thành phố, đánh giá lại doanh nghiệp, chuẩn bị cho năm 2022 để nhân viên quen dần với công việc phục vụ khách hàng; có thời gian để đào tạo lại lao động…
Riêng với mô hình “bong bóng du lịch”, để làm được ông Quỳnh cho rằng cần phải xác định rõ thị trường khách hướng tới, thị trường đó có đồng ý trao đổi khách du lịch với Đà Nẵng không. Trong đó, hai bên phải đạt được các thỏa thuận như cùng là vùng xanh, nhân viên phục vụ tiêm đủ vắc-xin, có các quy chuẩn nhất định… “Bong bóng du lịch” phải là hợp tác song phương, có điều kiện đi kèm, trước khi triển khai nên học hỏi các quốc gia đã làm mô hình này. Đặc biệt vai trò của hàng không trong việc nối lại các hoạt động du lịch rất quan trọng, các đường bay đã được nối lại chưa, các quy chế, quy định về đường bay được thực hiện như thế nào…
Đồng quan điểm, theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, các phương án đón và phục vụ khách là chủ trương và mong muốn của lãnh đạo thành phố và cộng đồng doanh nghiệp. Để đón được khách quốc tế phải có chủ trương, đồng ý của Chính phủ. Hiện nay chỉ có Phú Quốc (Kiên Giang) là có chủ trương được sự đồng ý của Chính phủ và đang triển khai bộ khung pháp lý chi tiết. Đà Nẵng đã có chủ trương xin đề xuất với Chính phủ về việc đón khách quốc tế. Đối với khách nội địa có thể chủ động tại địa phương, lãnh đạo thành phố cho phép mở tới đâu doanh nghiệp mở tới đó. Giai đoạn 1 mở cửa cho người Đà Nẵng chủ yếu là mở một số khu nghỉ dưỡng, nhà hàng để phục vụ nhóm khách gia đình. Tuy nhiên, vẫn chờ thêm một số hướng dẫn cụ thể từ ngành y tế về việc di chuyển như thế nào sao cho an toàn, phù hợp. “Còn để đón khách từ các địa phương khác đến Đà Nẵng cần có sự kết nối, trao đổi, thống nhất giữa các địa phương tiếp nhận và gửi khách thì mới làm được”, ông Cao Trí Dũng nói.
THU HÀ (nguồn baodanang.vn)