Nỗ lực đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của nhân dân
Đà Nẵng cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, ngành văn hóa thành phố đang nỗ lực chuẩn bị các điều kiện để chủ động thích ứng, duy trì việc phục vụ văn hóa – nghệ thuật cho nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Hội An cho biết:
– Từ cuối năm 2020, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố ban hành các văn bản, hướng dẫn, chỉ đạo gửi các cơ quan, địa phương, đơn vị để xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các lễ kỷ niệm, ngày lễ lớn của đất nước, của thành phố trong năm 2021. Tuy nhiên, Covid-19 bùng phát làm cho hoạt động của ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mọi công tác tham mưu, chuẩn bị của sở về các hoạt động chào mừng kỷ niệm 25 năm thành phố trực thuộc Trung ương không diễn ra theo kế hoạch.
Các bảo tàng, di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh, hệ thống thư viện công cộng, các hoạt động lễ hội, hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ kỷ niệm, ngày truyền thống, các chương trình vui chơi, giải trí phải tạm dừng để tập trung công tác phòng, chống dịch. Nhà hát Trưng Vương, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh là hai đơn vị nghệ thuật của ngành bị ảnh hưởng lớn, phải dừng tất cả các hoạt động, sự kiện, nhất là các show diễn – là một trong những nguồn thu góp phần cải thiện đời sống của các nghệ sĩ, diễn viên.
Các bảo tàng trước vốn nhộn nhịp khách tham quan, tham gia các hoạt động trải nghiệm, giờ vắng vẻ; Bảo tàng Điêu khắc Chăm – đơn vị tự chủ hoàn toàn, hằng năm thu hút hàng trăm ngàn lượt khách, thu về cho ngân sách thành phố hàng chục tỷ đồng, lúc này phải hoạt động cầm chừng, không có khách tham quan, nguồn thu bị ảnh hưởng nặng nề, không có kinh phí cho các hoạt động chuyên môn cơ bản…
Dịch bệnh khiến các hoạt động sự kiện của ngành bị gián đoạn, ngân sách bị cắt giảm, không có nguồn thu, nguồn lực về tài chính của các đơn vị thuộc ngành trở nên hạn hẹp. Tài lực của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hoạt động, dịch vụ văn hóa như: các rạp phim tư nhân, các công ty dịch vụ quảng cáo, tổ chức sự kiện… cũng không đứng ngoài guồng quay đó.
* Ngành văn hóa đang chuẩn bị những gì để quay trở lại phục vụ công chúng khi tình hình Covid-19 cơ bản được kiểm soát, thưa bà?
– Tranh thủ thời gian thực hiện giãn cách, ngành tập trung toàn lực vào công tác tham mưu UBND thành phố xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch cho giai đoạn 2021-2025 và đã được UBND thành phố ban hành như: Đề án phát triển hệ thống thư viện công cộng thành phố giai đoạn 2021-2015, định hướng đến năm 2030; đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thành phố giai đoạn 20121-2025; quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố; quy chế quản lý và sử dụng biểu tượng thành phố… Bên cạnh đó, ngành đang chờ ý kiến chỉ đạo để hoàn thiện các nội dung: Đề án quy hoạch hệ thống điêu khắc ngoài trời thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; đề án tổ chức sự kiện, lễ hội văn hóa đặc sắc hằng năm, gắn với thiết lập chuỗi sự kiện, văn hóa lễ hội về đêm của thành phố…
Sở cũng chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; ưu tiên dồn sức, góp lực, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp và sẵn sàng mở cửa hoạt động, đón khách khi điều kiện cho phép. Trong đó, Nhà hát Trưng Vương đang chuẩn bị cho chuỗi chương trình âm nhạc “Sắc màu Trưng Vương” dự kiến sẽ duy trì hằng tháng, mỗi tháng một chủ đề. Chương trình đầu tiên theo kế hoạch diễn ra vào ngày 25-10 với chủ đề “Thành phố trong tim”.
Nhà hát đang tổ chức cuộc thi “Gia đình cùng hát 2021” hiện đang ở vòng sơ khảo. Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh chủ động triển khai tập luyện các tiết mục, vở diễn để chuẩn bị phục vụ người dân, du khách. Thư viện Khoa học Tổng hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thu hút bạn đọc đến với các kho sách trực tuyến; thông qua các hoạt động trên mạng xã hội, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cũng tiếp tục cập nhật và đưa đến cho khán giả những thông tin bổ ích về di sản, mỹ thuật…
Bên cạnh đó, sở đã đề xuất UBND thành phố miễn giảm tiền thuê cho doanh nghiệp tại một số tài sản công thuộc quyền quản lý; trình HĐND thành phố ban hành nghị quyết miễn giảm phí tham quan tại các bảo tàng trong năm 2021 và đề xuất các đơn vị liên quan sớm được tiêm vắc-xin phòng Covid-19…
* Từ nay đến cuối năm và sang năm 2022, ngành văn hóa có kế hoạch thực hiện các sự kiện gì mang dấu ấn, bản sắc riêng, nhất là trong thời gian tới Đà Nẵng kỷ niệm 25 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương?
– Để bảo đảm không khí vui tươi và đời sống tinh thần tốt cho người dân sau thời gian dài bị ảnh hưởng dịch bệnh, mùa lễ hội cuối năm và chào năm mới đang đến gần, đặc biệt là dịp kỷ niệm 25 năm thành phố trực thuộc Trung ương, toàn ngành đã kết nối, phối hợp các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng, thu hút các sự kiện, chương trình nghệ thuật có chất lượng cao. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thuộc sở xây dựng kế hoạch hoạt động thích ứng với bình thường mới để phục vụ người dân như: phối hợp Công ty CP Truyền thông đa phương tiện Đời Sống Trẻ tổ chức cuộc thi phim ngắn Đà Nẵng lần I – 2021, mời Công ty TNHH MTV quảng cáo Truyền thông Fans Việt tổ chức chương trình Countdown – Chào năm mới 2022…
Hiện tại, sở đang phối hợp Liên hiệp các hội Văn học – Nghệ thuật thành phố tổ chức cuộc vận động sáng tác ca khúc và kịch bản sân khấu về đề tài phòng, chống Covid-19 với chủ đề “Vững niềm tin chiến thắng”, dự kiến tổng kết và trao giải vào cuối tháng 12-2021.
Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 25 năm thành phố trực thuộc Trung ương được điều chỉnh, phân nhóm theo hướng: Nhóm các hoạt động vẫn diễn ra trong các trạng thái dịch khác nhau, gồm: hoạt động tưởng niệm; tuyên truyền, báo chí, xuất bản. Nhóm các hoạt động có thể thay đổi phương thức từ trực tiếp sang trực tuyến, tùy vào diễn biến dịch bệnh, gồm: hội thảo, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát Trưng Vương. Nhóm các hoạt động có thể hủy bỏ trước thời gian diễn ra trong trường hợp trạng thái dịch không cho phép, gồm các hoạt động tập trung đông người như: bắn pháo hoa tầm cao, các hoạt động lễ hội, biểu diễn ngoài trời.
* Trước nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn tiềm ẩn, ngành văn hóa làm gì để chủ động thích ứng, duy trì việc phục vụ văn hóa – nghệ thuật cho công chúng?
– Tình hình dịch bệnh còn diễn biễn phức tạp, nguy cơ tái bùng phát còn tiềm ẩn, ngành văn hóa xác định không ngừng đổi mới cách thức hoạt động để lan tỏa nguồn năng lượng tích cực đến với mọi người. Các đơn vị chủ động chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống Covid-19, những cách làm mới, mô hình hay, sáng tạo để phát triển ngành trong điều kiện bình thường mới. Các nhà hát sẵn sàng phục vụ khán giả trực tiếp với những chương trình có chất lượng nghệ thuật cao; xây dựng, sản xuất nhiều chương trình nghệ thuật trực tuyến nhằm đem đến những món ăn tinh thần hữu ích cho người dân.
Hoạt động thư viện có nhiều đổi mới trong phương thức truyền thông, khuyến khích việc đọc sách online trong điều kiện phòng, chống Covid-19. Thư viện Khoa học Tổng hợp thực hiện tuyên truyền việc truy cập miễn phí vào kho sách điện tử để đáp ứng nhu cầu đọc sách của mọi người dân.
Các bảo tàng luôn sẵn sàng mở cửa đón khách khi Đà Nẵng trở lại trạng thái bình thường. Chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình về quảng bá, xúc tiến du lịch, đặc biệt tập trung hướng đến đối tượng là khách nội địa; tăng cường tuyên truyền, quảng bá thông qua việc đăng tin, bài, thực hiện video giới thiệu các chuyên đề, không gian trưng bày một cách sinh động, gần gũi để tạo sự tương tác, duy trì sự kết nối với công chúng trên website và các mạng xã hội.
Hiện ngành cũng đang xúc tiến xây dựng đề án chuyển đổi số với mục đích chủ động hơn trong các hoạt động, không bị lệ thuộc vào không gian, thời gian vật lý, dễ dàng giới thiệu cung cấp các dịch vụ văn hóa đến các đối tượng mục tiêu và tạo nên những tương tác đa chiều nhằm giúp khán giả trải nghiệm rõ ràng hơn các giá trị văn hóa được truyền tải.
* Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này.
XUÂN DŨNG thực hiện (nguồn baodanang.vn)