Sân chơi bổ ích mùa Covid-19

Để tránh nhàm chán, mệt mỏi cho sinh viên, học sinh trong thời gian thực hiện các quy định phòng, chống dịch bệnh, việc tạo sân chơi cho các em thông qua các cuộc thi online (trực tuyến) thực sự rất bổ ích. Các em không chỉ sử dụng quỹ thời gian hiệu quả mà còn được giao lưu, học hỏi nâng cao các kỹ năng để phát triển bản thân.

Cùng nắm chặt tay – Vững tin chiến thắng

“Vững niềm tin chiến thắng” do Thành Đoàn phối hợp với Hệ thống Giáo dục Sky-Line tổ chức từ ngày 13-5 đến hết 1-6 thông qua bình chọn online, là cuộc thi thu hút nhiều đối tượng thí sinh tham gia nhất kể từ khi Covid-19 xảy ra trên địa bàn Đà Nẵng trong năm nay

Tác phẩm “Vẻ đẹp của vọoc Chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà” của em Phạm Tiểu Quỳnh, lớp 7/10 Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, đoạt giải Nhất cuộc thi “Đà Nẵng – Thành phố em yêu” do Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Ảnh: Đ.H.L chụp lại

Cuộc thi có nhiều phần thi phù hợp cho từng đối tượng: Đối với học sinh tiểu học và THCS, phần thi “Vâng lời Bác dạy – Chúng em sẵn sàng” giúp các em thể hiện niềm tự hào, lòng kính yêu của thiếu nhi đối với Bác Hồ, cùng nhau thi đua học tập và làm theo 5 điều Bác Hồ dạy bằng những hành động đẹp, những việc làm tốt; qua đó phản ánh tinh thần đoàn kết, chăm ngoan, phấn đấu vươn lên trong học tập, rèn luyện, sinh hoạt và trong cuộc sống hằng ngày để giữ vững niềm tin chiến thắng dịch bệnh và cổ vũ tinh thần cho đội ngũ nơi tuyến đầu chống Covid-19.

Còn phần thi “Cùng nắm chặt tay – Vững tin chiến thắng” dành cho học sinh THPT vừa góp phần cổ vũ tinh thần đội ngũ nơi tuyến đầu chống dịch, vừa thể hiện trách nhiệm của công dân trẻ với ngày hội lớn của non sông – cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Chia sẻ về ý nghĩa của cuộc thi, chị Nguyễn Thị Anh Thảo, Phó Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng cho biết, cuộc thi nhằm tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên, học sinh, đội viên tìm hiểu về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là tình cảm của Bác Hồ dành cho đoàn viên thanh niên, học sinh, đội viên; qua đó khích lệ thiếu nhi học tập và làm theo lời dạy của Bác bằng những hành động, việc làm cụ thể để trở thành những chủ nhân có đức, có tài, góp sức xây dựng đất nước.

Với nội dung thiết thực, cuộc thi đã thu hút gần 600 tác phẩm dự thi của các học sinh từ bậc tiểu học đến THPT trên địa bàn Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố khác. Các tác phẩm được các em thiết kế, dàn dựng trên máy tính bằng các phần mềm đồ họa chuyên dụng hoặc vẽ tay và được đăng trên fanpage cuộc thi “Vững niềm tin chiến thắng” để tính điểm dựa trên số lượng lượt like (thích) và lượt share (chia sẻ).

Anh Huỳnh Minh Hoàng, phụ huynh của em Huỳnh Phương Thảo, Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ cho biết, đây là sân chơi bổ ích cho các bé trong những ngày ở nhà giãn cách xã hội. Bé Thảo cảm thấy rất phấn khởi và hào hứng dự thi tác phẩm tranh vẽ với thông điệp “Bạn an toàn khi cả Việt Nam an toàn! Việt Nam an toàn khi cả thế giới an toàn! Vì vậy, bạn ơi hãy cùng đồng lòng, chung tay, cùng đội ngũ tuyến đầu cùng chung sống chung với đại dịch, thực hiện theo quy tắc 5K bạn nhé!”.

Khơi nguồn đam mê sáng tạo

Cũng trong thời gian này, Hội Sinh viên thành phố Đà Nẵng phát động cuộc thi sáng tác ấn phẩm tuyên truyền kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 – 5-6-2021) với chủ đề “30 năm Người đi tìm hình hài đất nước”, thu hút nhiều sinh viên các trường đại học tham gia. Các tác phẩm dự thi được đầu tư thiết kế đồ họa công phu, đẹp mắt và đăng tải trên fanpage của hội để tính điểm bằng lượt like và share.

Sinh viên Trần Vĩnh Phúc, thí sinh đến từ Trường Đại học FPT Đà Nẵng có tác phẩm tham gia cuộc thi thu hút hơn 1.400 lượt like cho biết, inforgraphic (đồ họa thông tin) là thể loại mới, nội dung cũng hay. Phúc là sinh viên chuyên ngành Graphic Design, lại yêu thích lịch sử nên quyết định tham gia cuộc thi, qua đó có cơ hội tiếp cận với thiết kế inforgraphic.

“Em nghĩ giới trẻ hiện nay chưa có nhiều hứng thú tìm hiểu về lịch sử . Cho nên, cuộc thi là cơ hội tốt cho em nói riêng và các bạn sinh viên nói chung tìm hiểu sâu hơn về quá trình hoạt động cách mạng cũng như hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác.Thông qua cuộc thi, chúng em gián tiếp thể hiện lòng biết ơn, tri ân đối với những gì Bác đã làm cho đất nước và dân tộc. Đây là điều ý nghĩa nhất khi em tham gia cuộc thi này”, Phúc chia sẻ.

Trong khi đó, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi và triển lãm tranh với chủ đề “Đà Nẵng – Thành phố em yêu” cho thiếu nhi trên địa bàn bằng hình thức online nhằm phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2021 và chào mừng Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6.

Phát động từ giữa tháng 4-2021, cuộc thi đã thu hút gần 200 tranh dự thi của thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn thành phố. Trong số này, phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện đã chọn 62 bức tranh gửi về Ban tổ chức để chấm giải thưởng và triển lãm trực quan tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng thông qua hình thức giới thiệu online từ ngày 28-5 đến 30-6-2021.

“Kết quả có tất cả 22 giải thưởng gồm 2 giải nhất, 4 giải nhì, 6 giải ba và 10 giải khuyến khích cho hai bậc tiểu học và THCS. Hoạt động này góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần, tạo sân chơi thú vị, bổ ích cho thiếu nhi, giúp các em có cơ hội phát huy sự đam mê sáng tạo nghệ thuật; qua đó khơi dậy tình yêu của thế hệ trẻ đối với quê hương, đồng thời bảo đảm an toàn, phù hợp với yêu cầu về phòng, chống Covid-19 trong bối cảnh hiện nay”, bà Nguyễn Thị Trinh, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng nhấn mạnh.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

Nguồn: baodanang.vn

 

Để lại một bình luận

Dark mode