Xây dựng đội ngũ làm văn hóa có tâm, có tầm
Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội là những định hướng lớn về phát triển văn hóa của đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, trong đó, những người làm công tác văn hóa đóng vai trò then chốt. Tuy nhiên, làm sao để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác văn hóa vừa có tâm, vừa có tầm là bài toán khó đối với ngành văn hóa hiện nay.
Ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng (ảnh) cho rằng, cần tranh thủ chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đổi mới, nâng cao chất lượng tuyển dụng để kịp thời bổ sung đội ngũ viên chức trẻ, các chuyên gia đầu ngành, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, các nghệ sĩ, huấn luyện viên tài năng đến làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập.
* Trong thời gian qua, đội ngũ làm công tác văn hóa, văn học nghệ thuật đã đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành chưa, thưa ông? Thành phố đã có những chính sách gì để đào tạo và thu hút nguồn nhân lực cho lĩnh vực này?
– Tổng số công chức, viên chức (CCVC) làm công tác văn hóa có hơn 600 người. Trong điều kiện tinh giản biên chế, hầu hết các cơ quan, đơn vị đã chủ động sắp xếp, phân công công việc cho CCVC và người lao động ngày càng hợp lý, khoa học, phù hợp với định biên và theo hướng ưu tiên phát triển đội ngũ làm công tác chuyên môn nghiệp vụ, giảm thiểu nhân lực tại các vị trí việc làm dùng chung (tổ chức nhân sự, hành chính, tài chính….); qua đó góp phần quan trọng thực hiện chính sách tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ CCVC, phát huy hiệu quả hoạt động của đơn vị.
Thành phố đã có nhiều chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực văn hóa thông qua việc tiếp nhận và bố trí công tác cho các học viên theo chính sách thu hút, đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác tại các đơn vị sự nghiệp của ngành; cử và tạo điều kiện để đội ngũ CCVC tham gia đào tạo sau đại học tại nước ngoài; tuyển chọn cử đi đào tạo và tiếp nhận 16 học viên được đào tạo theo đề án Đào tạo diễn viên, nhạc công nghệ thuật tuồng giai đoạn 2016-2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho CCVC học hỏi kinh nghiệm thông qua các chương trình giao lưu, hợp tác của thành phố, để giúp đội ngũ nhân lực của ngành kịp thời cập nhật, bổ sung kiến thức và nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực tác nghiệp, bảo đảm tiêu chuẩn chức danh, yêu cầu vị trí việc làm và phát huy niềm đam mê sáng tạo.
Ngoài ra, thành phố có những chính sách riêng đối với đội ngũ viên chức làm nghệ thuật như ban hành Quyết định số 8964/QĐ-UBND ngày 11-12-2014 và Quyết định số 3931/QĐ-UBND ngày 18-7-2017 về thực hiện chế độ ưu đãi đối với nghệ sĩ, diễn viên tài năng đang công tác tại Nhà hát Trưng Vương, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh…; qua đó góp phần khích lệ, động viên đội ngũ viên chức của các nhà hát yên tâm công tác và cống hiến.
* Bên cạnh những thuận lợi về chính sách đào tạo và thu hút nhân tài thì khó khăn hiện nay ngành đang gặp phải là gì,
– Hiện nay, một số CCVC còn yếu về kỹ năng quản lý, chưa kịp thời cập nhật kiến thức, tư duy mới và thiếu kinh nghiệm thực tiễn nên công tác chỉ đạo, điều hành, tham mưu đôi lúc còn bị động. Cơ chế thị trường (thu nhập, tiền lương) đã có những tác động nhất định đối với đội ngũ viên chức, nhất là văn nghệ sĩ tài năng, dẫn đến chưa yên tâm công tác. Khả năng giao tiếp ngoại ngữ, ý thức và quyết tâm học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ của đội ngũ viên chức còn hạn chế, nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập, giao lưu quốc tế sâu rộng, nên gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa và thể thao mang tầm quốc tế.
Đặc thù nhân lực văn hóa là phải có chuyên môn, năng khiếu về văn hóa, đồng thời phải có khả năng huy động, thu hút nhân dân tham gia các hoạt động. Do đó, để xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa vừa có tâm, vừa có tầm là rất khó khăn, nhất là đối với tuyến cơ sở trong điều kiện nhân sự ít nhưng phụ trách nhiều lĩnh vực thể thao, du lịch, thông tin và tổ chức thường xuyên hoạt động văn hóa. Ngoài ra, ngành thiếu chuyên gia, nhà nghiên cứu, lý luận có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn để dự báo và định hướng chiến lược phát triển ngành, đề ra giải pháp mang tính đột phá; thiếu cán bộ có chuyên môn sâu về tổ chức sự kiện, mỹ thuật, đạo diễn, nghệ sĩ tài năng để đảm nhận tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, các sự kiện có tính liên ngành, quy mô lớn.
Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành các thông tư quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Tuy nhiên, việc được đào tạo trình độ đại học và sau đại học của đội ngũ diễn viên, nhạc công, đặc biệt trong lĩnh vực Tuồng gặp khó khăn do đặc thù loại hình biểu diễn chưa có lớp đào tạo trình độ đại học; mặt khác, cơ sở tổ chức đào tạo, bồi dưỡng hầu hết ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nguồn kinh phí của các đơn vị sự nghiệp còn hạn chế, không đủ để tổ chức các lớp bồi dưỡng hoặc chi trả chế độ trợ cấp đi học nên CCVC ngành văn hóa gặp nhiều khó khăn trong việc học tập nâng cao trình độ nhằm đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
* Thành phố cần có những giải pháp gì để nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác văn hóa, văn học nghệ thuật?
– Trước mắt, thành phố cần tiếp tục rà soát, sắp xếp, bố trí nhân lực phù hợp với trình độ chuyên môn, sở trường, năng lực công tác và quy định mới hiện hành về quản lý, sử dụng CCVC. Giải quyết chế độ nghỉ hưu, thôi việc đối với viên chức và người lao động dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc; tranh thủ chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đổi mới, nâng cao chất lượng tuyển dụng để kịp thời bổ sung đội ngũ viên chức trẻ, chuyên gia đầu ngành, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nghệ sĩ, huấn luyện viên tài năng đến làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập.
Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và tạo điều kiện để CCVC tham gia đào tạo, bồi dưỡng trong nước và nước ngoài, chú trọng bồi dưỡng kiến thức theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý và nghiệp vụ chuyên sâu. Đồng thời, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện tốt công tác rà soát bổ sung quy hoạch, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, tạo điều kiện để CCVC, nhất là những người trẻ có thành tích xuất sắc, có năng lực nổi trội được rèn luyện thực tiễn và dự nguồn cán bộ lãnh đạo kế cận.
Thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích nhiều đối tượng tham gia; qua đó kịp thời phát hiện, thu hút, trọng dụng những người có đức, có tài. Cần có cơ chế chính sách khuyến khích, ghi nhận, tôn vinh những viên chức có thành tích đóng góp tiêu biểu, những nghệ sĩ tài năng có nhiều đóng góp cho ngành.
* Nghị quyết số 303/NQ-HĐND ngày 8-7-2020 của HĐND thành phố về kết quả giám sát chuyên đề “Công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý và sử dụng các công trình, thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố” nêu vấn đề sắp xếp, củng cố, hoàn thiện bộ máy, nguồn nhân lực tinh gọn, hiệu quả. Sở có giải pháp gì để xây dựng đội ngũ cán bộ, CCVC ngành văn hóa đạt chuẩn về chuyên môn theo quy định?
– Thành phố đang chỉ đạo các đơn vị thực hiện rà soát, điều chỉnh Đề án vị trí việc làm phù hợp với yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức, làm cơ sở để thực hiện công tác tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, phát triển nhân lực bảo đảm tiêu chuẩn chức danh và yêu cầu phát triển của ngành trong thời gian đến.
Ngoài ra, sở đang triển khai nội dung và giải pháp phát triển nhân lực theo các đề án, kế hoạch UBND thành phố phê duyệt; đề xuất UBND thành phố xem xét, cấp kinh phí tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ CCVC của ngành vào kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của thành phố hằng năm; đồng thời phối hợp Sở Nội vụ đề xuất cử nhân sự của sở tham gia các khóa bồi dưỡng lĩnh vực di sản và bảo tàng trong năm 2022-2023 tại Việt Nam và Pháp; đề xuất nhu cầu thu hút 34 người có tài năng, thuê chuyên gia giai đoạn 2021-2030 vào đề án “Một số cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và thu hút, trọng dụng người có tài năng trong khu vực công của thành phố Đà Nẵng đến năm 2030” để bổ sung nhân lực có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm thực tiễn cho ngành.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG thực hiện (nguồn baodanang.vn)