Diễn văn Đại hội Điện ảnh 2018 !!!

DIỄN VĂN CỦA CHỦ TỊCH LIÊN HIỆP HỘI BÙI VĂN TIẾNG

ĐỌC TẠI ĐẠI HỘI LẦN THỨ III HỘI ĐIỆN ẢNH

THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG NHIỆM KỲ 2018-2023

(Chiều ngày 27 tháng 12 năm 2018, Rạp Chiếu phim Lê Độ)

 

 Thưa các đồng chí lãnh đạo sở ban ngành thành phố và các vị đại biểu khách mời; thưa toàn thể Đại hội,

Tôi xin bắt đầu bài phát biểu của mình không phải bằng nghi thức thông thường mà là bằng một sự kiện đáng ghi nhận trong lịch sử điện ảnh Đà Nẵng nói riêng và lịch sử Đà Nẵng nói chung. Mặc dầu Đà Nẵng và Hà Nội đều trở thành thành phố nhượng địa của thực dân Pháp cùng một thời điểm – tháng 10 năm 1888, nhưng người Đà Nẵng không có nhiều cơ duyên với nghệ thuật thứ bảy như người Hà Nội.

Tuy nhiên điều an ủi duy nhất mà cũng rất đáng tự hào đối với chúng ta là chỉ sau một năm khi hai anh em Auguste Lumière và Louis Lumière sáng chế ra máy quay phim, họ đã gửi Gabriel Veyre đến Đông Dương để quay phim ở vùng này. Và phim đầu tiên Gabriel Veyre thực hiện tại Việt Nam có tựa đề Le Village de Namo – Panorama pris d’une chaise à porteurs quay năm 1896 ở làng Nam Ô Đà Nẵng. Trong phim này, Gabriel Veyre đã quay cảnh các trẻ em chạy chung quanh ông lúc đang ngồi trên kiệu cầm máy quay phim vào làng.

Qua câu chuyện Nam Ô hơn một trăm mười năm trước, có thể thấy điện ảnh Đà Nẵng có thể tự khẳng định mình theo cách thức riêng, hướng đến sự khác biệt và chất lượng – “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Điều này không phải là sản phẩm của phép thắng lợi tinh thần/ AQ chủ nghĩa trong văn xuôi Lỗ Tấn mà là một sự thật nhãn tiền đã và đang được thực tiễn hoạt động của Hội Điện ảnh thành phố nhiệm kỳ 2013-2018 chứng minh là đúng.

Chính vì vậy thay mặt Đảng đoàn và Ban Thường vụ Liên hiệp Hội, tôi xin ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của toàn thể hội viên, của Hội đồng Nghệ thuật, của Ban Kiểm tra và nhất là của Ban Chấp hành Hội Điện ảnh thành phố Đà Nẵng khóa II trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2013-2018 của Hội, góp phần tích cực và đáng kể vào việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII nhiệm kỳ 2014-2019 của Liên hiệp Hội Đà Nẵng, và quan trọng hơn là góp phần giải tỏa ưu tư của một số hội viên hoạt động điện ảnh trên địa bàn thành phố về khả năng đi tiếp hay dừng lại – thậm chí nói theo một cách rất Shakespeare là “tồn tại hay không tồn tại” – của bản thân Hội Điện ảnh chúng ta – một trong ba hội điện ảnh địa phương ít ỏi trong cả nước – khi đứng trước ngưỡng cửa Đại hội lần thứ ba này.

Có thể nói nhiệm kỳ qua Hội Điện ảnh thành phố sản xuất không nhiều phim, nhưng có một số phim đủ sức “xuất ngoại”/ “mang chuông đi đánh xứ người” và quan trọng hơn là được quốc tế đánh giá cao, với những tên tuổi như Dương Mộng Thu, Đoàn Hồng Lê, Trương Vũ Quỳnh… Đối với màn ảnh trong nước, một số phim tài liệu của đạo diễn Huỳnh Hùng cũng tạo ấn tượng mạnh không chỉ về nghệ thuật làm phim mà còn về nhãn quan lịch sử, chẳng hạn như phim Sóng cửa Hàn sản xuất năm 2017 – chưa kể phim Con mắt còn có đuôi tuy sản xuất từ năm 2012 nhưng vừa được trao giải nhất Giải Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng năm 2015…

Hội Điện ảnh thành phố cũng là hội chuyên ngành thường xuyên tổ chức cho hội viên tiếp cận với điện ảnh thế giới thông qua việc phối hợp với Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng thành phố tổ chức các tuần lễ phim/ liên hoan phim ngoại quốc như Tuần lễ phim Tây Ban Nha, Tuần phim Đan Mạch, Liên hoan phim Nhật Bản, Liên hoan phim Đức… hoặc các buổi giới thiệu phim mới kết hợp giao lưu với đạo diễn nước ngoài chẳng hạn như giới thiệu phim truyện Jack of The Red Hearts/ Jack Trái tim đỏ kết hợp giao lưu giữa hội viên với nữ đạo diễn người Mỹ Janet Grillo hồi tháng 3 năm 2017.

Tiếc rằng phim truyện không phải là sở trường của các nhà làm phim Đà Nẵng, hay nói đúng hơn các nhà làm phim Đà Nẵng chưa có điều kiện để “dấn thân” vào con đường làm phim truyện, thậm chí đang nói “không” với sản xuất phim truyện; tuy nhiên những trải nghiệm qua các hoạt động giao lưu quốc tế như vậy cũng giúp cho hội viên của Hội có thêm cảm hứng nghệ thuật và kinh nghiệm nghề nghiệp.

Chưa có điều kiện để “dấn thân” vào con đường làm phim truyện nhưng giới điện ảnh Đà Nẵng trước đây ở Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng cũng từng sản xuất phim truyện, cũng có diễn viên phim truyện tài năng như Hoàng Hải, vẫn có những tác giả kịch bản phim truyện như Vĩnh Quyền, Quế Hương, Trần Kỳ Trung… và quan trọng hơn là biết khai thác thế mạnh của phim tài liệu truyền hình nhằm tạo nên thương hiệu điện ảnh Đà Nẵng theo hướng tạo khác biệt và coi trọng chất lượng – “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Tuy nhiên cái thế mạnh này gần đây cũng đang đối mặt với nhiều thách thức – thách thức đến mức có không ít người đã phải nghĩ đến khả năng “to be or not to be”.

Cho nên từ diễn đàn của Đại hội này, tôi rất kỳ vọng vào Ban Chấp hành Hội, Hội đồng Nghệ thuật và Ban Kiểm tra của Hội và nhất là rất kỳ vọng vào Tân Chủ tịch Hội mới được Đại hội tín nhiệm giao trọng trách trong việc đứng mũi chịu sào lãnh đạo hội viên đồng thuận/ đồng lòng, cùng nhau hướng về đại cuộc để tổ chức thực hiện tốt nhất Nghị quyết của Đại hội nhiệm kỳ 2018-2023 này, trong đó bằng mọi cách tập trung “hồi sinh” phim tài liệu, đi đôi với đẩy mạnh công tác hội viên theo hướng vừa tạo nguồn phát triển hội viên mới vừa sàng lọc và nói lời chia tay những hội viên không còn gắn bó với Hội, chấp nhận “quý hồ tinh bất quý hồ đa”.

Nhân đây tôi xin được nói đôi lời về Cựu Chủ tịch Hội Huỳnh Hùng. Trong hai nhiệm kỳ qua, chưa kể thời gian trước năm 2007 khi còn là phân hội, Cựu Chủ tịch Hội Huỳnh Hùng đã đóng góp cho nền điện ảnh Đà Nẵng và cho Hội Điện ảnh Đà Nẵng không chỉ với tư cách người đứng đầu – là người truyền cảm hứng và là ngọn cờ đoàn kết tập hợp hội viên, mà còn với tư cách một nghệ sĩ ưu tú – một đạo diễn tài năng đam mê nghề nghiệp và đầy sáng tạo. Nhiệm kỳ này, theo quy định của Ban Thường vụ Thành ủy, đạo diễn-hội viên Huỳnh Hùng không tiếp tục tham gia Ban Chấp hành Hội khóa mới, nhưng điều đó không hề đồng nghĩa với việc đạo diễn-hội viên Huỳnh Hùng ngừng đóng góp cho nền điện ảnh Đà Nẵng và cho Hội Điện ảnh Đà Nẵng, bởi với cương vị Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, anh càng có điều kiện để tạo điều kiện cho Hội hoạt động.

Chẳng hạn không ai ngoài anh có đủ thẩm quyền để Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng thành phố đang được hợp nhất với Trung tâm Văn hóa thành phố thành Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh thành phố tiếp tục hoạt động ngoại giao nghệ thuật thông qua các tuần lễ phim/ liên hoan phim nước ngoài hay tổ chức giao lưu với các đạo diễn phim nước ngoài như những năm trước đây. Và cũng anh chứ không ai khác có đủ uy tín để tham mưu giữ lại Rạp chiếu phim Lê Độ như một “thánh đường” của điện ảnh Đà Nẵng – đương nhiên giữ lại và nâng cấp đủ để đảm đương nhiệm vụ đăng cai tổ chức các hoạt động ngoại giao nghệ thuật nêu trên. Ngay cả việc Hội Điện ảnh thành phố chọn địa điểm tổ chức Đại hội lần này tại Rạp Chiếu phim Lê Độ theo tôi cũng là một thông điệp của giới điện ảnh chúng ta về ký ức/quá khứ và về cách ứng xử với ký ức/ quá khứ.

Tôi cũng xin bày tỏ lòng tri ân đối với chị Huỳnh Thị Tuyết, Ủy viên Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ 2013-2018 cũng không tiếp tục tham gia Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ này.

Thay mặt Đảng đoàn và Ban Thường vụ Liên hiệp Hội, tôi xin chân thành cảm ơn lãnh đạo thành phố và các sở ban ngành đã đồng hành và tạo điều kiện để giới làm phim Đà Nẵng phát huy cao nhất năng lực sáng tạo nghệ thuật, vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương với tư cách những công-dân-nghệ-sĩ, vừa phục vụ cho sự phát triển của bản thân nghệ thuật thứ bảy, góp phần xứng đáng vào việc gầy dựng thương hiệu Đà Nẵng luôn trân trọng với nghệ thuật, đặc biệt là với loại hình nghệ thuật từng bất tử hóa làng chài Nam Ô trong những thước phim tài liệu đầu tiên của thế giới.

Chúc tất cả những người hoạt động điện ảnh là đại biểu Đại hội và cả những người hoạt động điện ảnh trên địa bàn thành phố không có mặt ở đây luôn đầy ắp cảm hứng nghệ thuật và luôn tươi mới trong sáng tạo nghệ thuật. Chúc Đại hội lần thứ III Hội Điện ảnh thành phố thành công như mong đợi. Xin chân thành cảm ơn mọi người./.

Để lại một bình luận

Dark mode