Nhật ký công tác – Lễ hội Cầu Ngư tại xã Nhơn Hải, tỉnh Bình Định

LỄ HỘI CẦU NGƯ

        Cho đến thời điểm hiện tại nông dân, nông nghiệp, nông thôn vẫn là những hằng số của Văn hoá Việt Nam. Một trong những yếu tố cấu thành bản sắc văn hoá Việt Nam gắn chặt với phương thức canh tác nông nghiệp, với không gian làng xã đấy chính là lễ hội. Nhìn vào tần xuất lễ hội diễn ra trên dãi đất hình chữ S này, nhiều nhà nghiên cứu đã kết luận Việt Nam là đất nước của lễ hội. Với hơn 7000 lễ hội diễn ra trong vòng 1 năm, lễ hội đã mang đến một màu sắc văn hoá rất đặc biệt, đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân. Lễ hội diễn ra ở khắp các vùng miền, liên quan đến lịch sử các vùng đất. Đối với cư dân ven biển, Lễ hội Cầu Ngư là một di sản văn hoá phi vật thể, chứa đựng những giá trị đặc sắc, vốn gắn bó chặt chẽ với ngư nghiệp, tín ngưỡng cá Ông và lễ hội tế thần góp phần tạo sự yên ổn trong tâm linh cá nhân và cộng đồng.
        Lễ hội Cầu Ngư được bắt nguồn từ tục thờ Cá Ông của ngư dân vùng biển, đây là một tục lệ có từ bao đời nay. Tục thờ Cá Ông vốn xuất nguồn từ người Chăm. Tuy nhiên, trải qua sự bản địa hoá, tục thờ cá Ông trở thành tín ngưỡng của người Việt và cả người Hoa. Đối với người Chăm, cá Ông là một vị thần của Biển Đông được nhân dân kính cẩn. Đối với người Việt và người Hoa, cá Ông chính là mảnh pháp y (áo choàng sau) của Quan Thế Âm (Nam Hải Bồ Tát) thả xuống biển để cứu ngư dân vùng biển trong cơn giông tố giữa khơi. Cầu Ngư chính là tưởng nhớ công ơn của loài cá voi – vị thần Đại tướng quân Nam Hải, loài cá thường xuất hiện và cứu giúp dân đi biển vượt qua gió to, gió lớn, với mong muốn đánh được nhiều tôm, cá, đem lại điềm lành và hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà. Đối với ngư dân ven biển Miền Trung quan niệm cá Ông không chỉ là một vị thần biển – ân nhân của người đi biển, mà còn là một vị thần liên quan đến sự hưng thịnh của cộng đồng làng biển. Đó là Thành Hoàng của làng vạn. Họ tin rằng có hai vị thần ngư: một lần thần sống, gọi là ông Sanh với danh thần Đông Hải Ngọc Lân, một vị thần hoá thiêng (chết) gọi là Ông Tử với danh thần Nam Hải Ngọc Lân. Ông Sanh là thần hộ mệnh của người đi biển; Ông Tử là phúc thần bảo trợ cho cuộc sống của vạn làng. Dân biển gọi cá voi bằng những danh xưng tôn kính như: Đức Ngư Ông, Đức linh Ông, Ngài, song thông dụng nhất là Ông. Nơi thờ tự cá Ông gọi là lăng ngư Ông. Lăng ngư Ông vừa là nơi trú sở của thần ngư, vừa là nơi diễn ra các hoạt động văn hoá cộng đồng, trong đó có Lễ hội Cầu Ngư. Lễ hội được tổ chức mỗi năm một lần với sự tham gia của toàn thể lần cư dân ven biển. Đây được xem là một hiện tượng Văn hoá dân gian nhận được sự quan tâm đông đảo không chỉ của ngư dân mà còn có du khách trong và ngoài nước.

NHẬT KÝ VỀ LỄ HỘI CẦU NGƯ TRONG CHUYẾN ĐI CÔNG TÁC TẠI XÃ NHƠN HẢI, BÌNH ĐỊNH

Địa điểm tổ chức: Tại lăng Ông Nam Hải, xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn

Thời gian: Từ ngày 23/03 đến ngày 26/03/2021

BTC dán áp phích thông báo thông tin về Lễ hội

 Công tác chuẩn bị: Đối với lễ hội, công tác chuẩn bị cho việc tổ chức luôn đóng một vai trò quan trọng góp phần quyết định trong việc lễ hội được diễn ra thuận lợi và thành công, đặc biệt trong những lễ hội truyền thống, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tâm linh của người dân nơi đây. Việc tổ chức cần phải có phương hướng và kế hoạch rõ ràng, đảm bảo gìn giữ tốt đẹp nét truyền thống văn hoá tồn tại lâu đời, vừa đảm bảo tổ chức phù hợp với điều kiện kinh tế địa phương.

Trước thời gian tổ chức lễ hội (khoảng 20 ngày) ban lạch Nhơn Hải thông báo mời bà con ngư nghệ, các cụ phụ lão, đến tại lăng để họp lấy ý kiến dân chủ về việc tổ chức Lễ hội Cầu ngư tại lăng, sau đó cuộc họp bầu ra Ban tổ chức (Ban lạch nằm trong Ban tổ chức), Ban lễ cúng tế (gồm Chánh tế, Bồi tế, Đông hiến, Tây hiến có 2 Chánh tế: 1 Chánh tế Thần; 1 Chánh tế bà Thuỷ Long Thần nữ, tế âm hồn, cô hồn). Hai vị Chánh tế phải là người có tuổi từ 50 trở lên, có năng lực, uy tín, đức độ, gia đình trọn vẹn, hòa thuận không mắc tang chế, sau cuộc họp ban tổ chức lên bản phân công nhiệm vụ của các thành viên trong ban, để phục vụ ngày Đại lễ và dán ở lăng.

Tiếp đó ban lạch bầu ra 7 tổ hoạt động (mỗi tổ 02 thành viên: Trưởng và phó) có trách nhiệm đi thu tiền đóng góp của bà con ngư dân. Ban tổ chức có qui định số tiền đóng góp của các ghe thuyền. Sau cuộc họp quan trọng trên ban tổ chức chịu trách nhiệm làm đơn xin tổ chức “Lễ hội Cầu ngư” và có kèm theo nội dung lễ hội, trong đó có tiêu đề các tuồng hát trong ngày diễn ra đại lễ (nói rõ lý do tổ chức lễ hội và thủ tục xin phép chính quyền địa phương).

Sự lựa chọn và thống nhất mời đoàn hát nào về biểu diễn dịp lễ hội Cầu Ngư Nhơn Hải phải được toàn thể bà con ngư dân thống nhất biểu quyết với tỷ lệ từ 70% trở lên.

  •      DIỄN TRÌNH LỄ HỘI
         I. PHẦN LỄ
  •     1.1. Lễ nghinh thần nhập diện
  • + Trang phục: Chánh tế, Bồi tế mặc áo dài màu xanh mực, quần trắng. Đông hiến, Tây hiến mặc áo dài màu xanh bông thọ, ống tay nhỏ tròng cổ; 4 người khiêng long đình mặc áo đỏ viền vàng, quần trắng đội nón màu đỏ.
  • Siêu hầu Thần 04 người mặc Áo đỏ viền vàng, quần trắng, chân sơn ve (giống đi ủng trong hát bộ). Các bô lão tại làng phục trang bình thường.

Trang phục của các Ban tại lễ hội Cầu Ngư xã Nhơn Hải

Đúng 16h00 ngày 23/3, đoàn rước xuất phát rước Cá Ông về lăng Ông Nam Hải, đi đầu là người cầm lá cờ Tổ quốc, tiếp đến cờ Thần, vị Chánh tế, 04 người khiêng long đình, 02 bên long đình có siêu hầu, thầy văn, thầy lễ, Đông hiến, Tây hiến, 2 cây lộng, 1 cái trống cổ, đội nhạc ngũ âm (chính, trống, đàn cò, xập xáng xanh). Lễ vật dâng cúng rước Thần Nam hải về Lăng: Gồm 02 con gà luộc, bông, trái cây, rượu, giấy vàng mã.

  • Các vị bô lão, màu cờ rực rỡ, tiếng trống, tiếng nhạc sanh, tất cả rộn rã bừng lên của lễ nghinh rước. Khi đến nơi, chinh, trống cổ: Đánh lên 3 hồi. Mọi người chuẩn bị chỉnh tề, chờ thầy lễ xướng.
  • Thầy lễ xướng: Chấp sự giả các kỳ tư kỳ sự;
  • Thầy lễ xướng: Khởi chinh cổ (mùa xuân rịn 3 tiếng gọi là Xuân Tam). Chinh đánh ba hồi, cổ đánh ba hồi;
  • Thầy lễ xướng: Khởi nhạc sanh chinh rị ba tiếng, cổ rịn ba tiếng đến mãn tế  Chánh tế, Đông hiến, Tây hiến tựu vị;
  • Thầy lễ xướng: Thế cân (02 tay sửa khăn đóng cho chính);
  • Thầy lễ xướng: Nghệ hương án tiền 4 người học trò đốt nhang đứng trước đưa cho 4 ông (Chánh tế, bồi tế, Đông hiến, Tây hiến);
  • Thầy lễ xướng: Quỳ (Chánh tế quỳ);
  •  Thầy lễ xướng: Giai quỳ (mọi người đều quỳ);
  • Thầy lễ xướng: Phần hương bốn học trò lễ đưa hương cho bốn ông vái;
  • Thầy lễ xướng: Niệm hương, mọi người vái;
  • Thầy lễ xướng: Thượng hương, hương đăng lấy hương cắm lên bàn;
  • Thầy lễ xướng: Phủ phục hưng, đứng lên nghiêm trang;
  • Thầy lễ xướng: Lễ nghinh Thần cúc cung tứ bái (lạy 4 lạy);
  • Thầy lễ xướng: Hưng bái, 04 lạy;
  • Thầy lễ xướng: Hưng bình thân;
  • Thầy lễ xướng: Phục vị, lui 01 bước;
  • Thầy lễ xướng: Nghệ tôn Thần vị tiền
  • (4 ông Chánh tế, bồi tế, Đông hiến, Tây hiến bước tới 1 bước);
  • Thầy lễ xướng: Quỳ (Chánh tế quỳ);
  •  Thầy lễ xướng: Giai quỳ (mọi người đều quỳ);
  • Thầy lễ xướng: Chước tửu (rót rượu);
  • Thầy lễ xướng: Tấn tước (4 học trò lễ đem chén rượu rót sẵn trong đĩa cho Chánh tế, chánh tế bái 3 bái);
  • Thầy lễ xướng: Hiến tước (hương đăng bưng rượu của chánh tế vừa bái châm lên các ly trên bàn Thần);
  • Thầy lễ xướng: Phủ phục hưng, đứng dậy;
  • Thầy lễ xướng: Bái;
  • Thầy lễ xướng: Phục vị;
  • Thầy lễ xướng: Nghệ đọc chúc vị: ông đọc chúc văn đứng ngang bàn Thần, ngang với ông chánh tế, bồi tế;
  • Thầy lễ xướng: Quỳ;
  • Thầy lễ xướng: Giai quỳ (thầy lễ quỳ bên trái từ ngoài nhìn vào);
  • Thầy lễ xướng: Chuyển chúc, đọc chúc

Chánh tế vái: “Nam mô a di đà phật, vái Ngài Đức Thích Ca, hôm nay lạch Nhơn Hải ca lễ Nhứt diện, bổn thôn trạch cử Chánh tế, cung sự bổn sở cung nghinh sắc Thần, cùng các chư vị Thánh Thần qui hồi tại sở về lăng nhập điện, cư xướng nhứt diện chứng minh chứng giám, hội kỳ thôn nội nhơn dân đắng, hạnh đắc bình an, tứ thời,tứ thế, mổ niên, mổ nguyệt, mổ nhật, mỗi thời qui hồi tại sở về chứng minh, bảo hộ cung vọng chư Thần, nam mô A di đà Phật !” nhạc bá linh cử lên, Chánh tế 2 tay cung nghinh sắc Thần để lên Long Đình để rước về nhập điện. Đoàn người trở về lăng, khi về đến lăng Chánh tế thỉnh sắc Thần từ Long đình đặt lên án điện, vái hương án, an vị rồi vái tạ 4 lạy.

                

Rước thần Nam Hải về Lăng

Các vị bô lão đang tiến hành làm lễ nhập điện

1.2. Biểu diễn Chèo, Bả Trạo

Tiếp theo phần lễ xây chầu bả trạo, đây là phần bắt buộc phải có trong lễ hội. lối hát này có nhiều tên gọi như: hát Bả Trạo, hát Bạn chèo; có nơi thì gọi là hát Lăng. Đây là một bộ phận của nghi thức tế lễ thần Nam Hải, một thể loại diễn xướng tổng hợp, gồm nhiều yếu tố hát và múa với các đạo cụ như mái chèo. Đội Bả Trạo thường toàn là nam giới, đội hình biểu diễn được xếp theo hình chiếc thuyền linh. Hát bả trạo thể hiện sự đan xen kết hợp giữa phần lễ và phần hội, thêm phần sôi động, hấp dẫn và trọng thể của lễ hội, tạo ra không khí vui tươi, phấn khởi trong lễ hội của ngư dân vùng biển.

Hát bả trạo hay còn gọi là hát chèo bả trạo, chèo cầu ngư, chèo cạn, hò rước Ông…“Bả” là nắm chắc, “Trạo” là mái chèo, hát “bả trạo” là hát vững tay chèo theo động tác thuyền chèo. Loại hát múa dân gian này được tổ chức theo tục lệ hằng năm, hoặc 2 hoặc 3 năm một lần nhân dịp lễ Nghinh Ông hoặc trình diễn nhân dịp đưa tang cá Ông và trong các lễ hội cầu mùa, cầu ngư của ngư dân. Nội dung hát bả trạo ca ngợi công đức của cá Ông cứu người, giúp đánh bắt được nhiều tôm cá hoặc mô tả quá trình lao động sản xuất vất vả của ngư dân giữa biển khơi, đồng thời ca ngợi sự giàu có của biển và trên hết là sự đoàn kết của bạn chèo đi biển vươn lên cuộc sống ấm no đầy đủ. Có thể nói hát bả trạo gắn liền với nghi lễ, bởi vì khi tham gia bả trạo tất cả mọi người, diễn viên đến khán giả đều cầu mong cho sự bình yên, thịnh vượng, từ lòng thành kính đối với cá Ông.

Đội gồm có: Tổng mũi (tổng thuyền), Tổng khoang (tổng trung) và tổng lái (tổng hậu) và khoảng từ 10 đến 16 người thành viên gọi là con trạo (tay chèo), số lượng con trạo bao giờ cũng là số chẵn. Đội có trang phục riêng, tổng mũi, tổng khoan, tổng lái mặc lễ phục truyền thống: Áo dài đen, quần trắng (có nơi ăn mặc trang phục rực rỡ như hát tuồng). Con trạo mặc áo trắng, quần trắng có quần xà cạp, đầu chít khăn, lưng bụng thắt vải đỏ, đi chân đất, tay cầm mái chèo dài 1,2m sơn đen, trắng. Dàn nhạc cụ có đèn cò, trống, kèn, sênh

Nghệ thuật trình diễn của hát bả Trạo là sự phối hợp nhịp nhàng giữa âm nhạc, lời ca và động tác trình diễn của các tổng mũi, tổng khoan và tổng lái cùng con trạo dưới sự điều khiển thống nhất của tổng mũi. Đội múa nghiêng mình giống tư thế của người đang chèo thuyền, vừa hát vừa múa mái chèo. Động tác cách điệu đôi chân di chuyển trên mặt đất như thuyền đang lướt sóng, theo hiệu lệnh họ nghiêng về phía trước, phía sau nhịp nhàng, đội di chuyển thành vòng tròn, hàng dọc và hàng ngang.

Hát bả trạo có “Xướng” và “Xô”, 3 tổng thì xướng theo điệu hoà, nói lối, hát nam, hát khách, tấu mã…còn các tay chèo thỉnh thảng “xô” theo hiệu lâp lại một đoạn của vai Tổng.

Toàn bộ tiết mục hát bả trạo diễn ra như một hoạt cảnh gồm 8 đoạn: Tụ quân – đưa linh – ra khơi – đánh bắt – nghỉ ngơi – bão tố – chống bão tố – an bình. Nội dung ý nghĩa trong các lời hát của vai Tổng là nhắc đến công đức của cá Ông, tỏ lòng tôn kính công lao tiền hiền, ca ngợi cuộc sống lao động bình dị chân chất của ngư dân, ca ngợi cuộc sống tươi đẹp của đất nước và cầu mong cho vụ mùa bội thu, tránh được bão tố đem lại cuộc sống no đủ hạnh phúc. Phần cuối lễ, ba ông Tổng tiến ra trước là lễ trống vũ xương bênh nghi lễ, đám bạn chèo ôm mái lại, kết thúc nghi lễ bả trạo, cúng Ông.

Biểu diễn Chèo, Bả trạo tại Lễ cầu Ngư

1.3. Lễ Tế Xuân

Lễ Tế Xuân tôn nghiêm như lễ tế Thần, mọi người trong ban cúng tế, áo quần chỉnh tề, với tư thế chờ thầy lễ xướng. Trong lúc làm lễ khai tiên những gia đình có người thân tang chế, phụ nữ đến ngày phải tránh ra không được đến gần để xem làm lễ.

Trước lúc làm lễ: Trưởng Ban tổ chức lên đọc diễn văn công bố đáo lễ 02 năm lạch Nhơn Hải tổ chức hát cầu ngư, mong mưa thuận gió hòa, cuộc sống ngư nghiệp đánh bắt nhiều hải sản. Trong khi đó người phụ trách hương đăng lo thay nước trà, rượu, hương đăng chỉnh tề, phía trước sân chầu có bàn hương án chưng hoa quả, rượu nước, đèn nhang .

Trưởng đoàn hát dẫn hai người của đoàn đóng vai quan văn, quan võ đứng hai bên Chánh tế để làm lễ khai tiên, một ông trên tay dâng chiếc khay, trên khây để 2 dùi trống được quấn vải đỏ (1 dùi để lại trong bàn Chánh điện, 1 dùi đưa ra để Chánh tế khai tiên).

– Chánh tế vào niệm hương vái bàn thờ Tiên sư: “Hôm nay là ngày… tháng… năm… trong gia nghệ bổn lạch thôn Tiên Châu làm lễ cúng tế khai tiên, vái tiên sư, tam giáo đạo sư, lễ ban lễ bộc tấn tài, tấn lộc liệt vị tôn sư. Mời các Thần ngự chứng minh nghi lễ gia hộ cho bổn lạch, bá phước bình yên an cư lạc nghiệp, làm ăn đắc kỳ tài lợi, cá đầy ghe khẩm chiếc, cầu mong thần linh ửng như lời”.

Sau khi niệm hương vái xong, Chánh tế bưng ly rượu cùng 2 ông quan văn, quan võ bước đến chiếc trống khai tiên để cạnh sân khấu hát.

Chánh tế dở khăn trống lên lấy nhánh bông nhúng rượu rảy lên mặt trống, làm bùa theo phong tục: Niệm lá bùa, gọi là tẩy uế, miệng đọc bài chú trừ khử tà ma ô uế, mắt nhìn thẳng vào mặt trống tay hoa bùa tập trung 4 yếu tố để có công hiệu linh ứng.

Thầy lễ xướng:

Xuân thủ đáo lệ

Năm …….. Tân niên

Thủy nghiệp cầu ngư .

Thầy lễ xướng: Khai tiên khởi cổ, Chánh tế đánh 3 hồi 9 tiếng

Thầy lễ xướng: Ca công tề tựu trước án tiền khởi võ, đoàn hát dạ .

Chủ bầu hát cầm 3 cây hương từ trong buồng bước đến Chánh điện kính cẩn bái bàn Thần, quì xuống khấn nguyện xong đứng dậy đưa cho thầy lễ chuyển cắm vào án Thần, bắt đầu lạy tả ban, hữu ban, mỗi bàn 4 lạy. Tiếp đó nói lên những lời cầu chúc tốt đẹp, an khang, thịnh vượng, cầu chúc cho xã, thôn, gia nghệ, chúc ông Chánh tế khai tiên, Phước như Đông hải, thọ tử nam sơn, chức từ Chánh điện ra đến sân khấu. Mỗi câu chúc: Trưởng đoàn được nhận bì thư 100.000đ (một trăm ngàn đồng). Sau lời chúc của Trưởng đoàn, diễn viên trong đoàn đóng vai Long hổ hội, thần tài, Thổ địa vào lăng rồi ra sân khấu để cầu tốt lành cho lễ hội. Tiếp tục kép hát ra diễn tuồng Ông thứ lễ 3 tiếng. Sau đó mọi người nghỉ 10 phút để chuẩn bị vào cuộc tế lễ âm hồn, cô hồn.

Thực hiện nghi lễ Tế Xuân

II. PHẦN HỘI
Trong bất kỳ lễ hội nào, bên cạnh những phần lễ luôn có phần hội sôi nổi vui tươi. Sức hấp dẫn của các trò diễn, trò chơi trong lễ hội, nói lên được từ ý nghĩa của các trò chơi đó

Người ta đến với các trò diễn, trò chơi cả vì bản thân nó và cả vì ý nghĩa sâu xa chứa đựng trong nó. Nhưng vì có tính làm mẫu, tính đại diện nên khởi hội không phải ai cũng có thể được tham gia mà phải chọn con người sạch sẽ. Vì vậy, người chơi được tham gia cảm thây vô cùng tự hào, vinh dự. Hơn thế nữa khi tham gia, người chơi tham gia cảm thấy vô cùng tự hào, vinh dự. Hơn thế nữa khi tham gia, người chơi thu được nhiều năng lương linh thiêng của trò chơi nên mỗi năm đó ai nấy đều cảm thấy gia đình hạnh phúc và may mắn.

Lễ hội Cầu ngư tổ chức tại nơi đây còn có những hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao mang đậm sắc thái ngư dân vùng biển như: thi đan lưới, thi kéo co, ngoái thúng, lắc thúng…kèm theo đó là các hoạt động văn hoá – nghệ thuật như : Hô hát bài chòi, hát bả trạo, hát tuồng…

2.1. Thi lắc thúng

Hội thi có các đội tranh tài đến từ các khu vực dân cư ven biển trên địa bàn xã Nhơn Hải. Các đội thi đấu ở 6 nội dung gồm lắc thúng đơn nam, nữ có sức khoẻ tốt, biết bơi và biết lắc thúng tham gia cuộc thi, vận động viên này dự thi từ đầu đến cuối cuộc thi không thay đổi vận động viên khác

Cự ly thi là 100m (50m đi và 50m về. Lộ trình từ điểm xuất phát đến cột tiêu và quay về đích.

Vận động viên được trang bị một thúng, số đeo và cột tiêu riêng của mình. Vận động viên từ điểm xuất phát bắt đầu lắc thúng đến cột tiêu vòng qua và trở ngược lại về đích. Điểm xuất phát và đích là cùng một điểm có căng dây dài hơn 100m và để cách sợi dây có nắm cột tiêu 50m. Vận động viên đứng trên thúng và cầm hai tay vào sợi dây ở điểm xuất phát để chờ tín hiệu lệnh xuất phát của trọng tài. Khi trọng tài báo hiệu xuất phát bắt đầu thì các vận động viên mới được thả tay ra khỏi sợi dây và bắt đầu lắc thúng. Ban tổ chức sẽ căn cứ vào thành tích để trao giải nhất, nhì, ba cho các vận động viên.

Đối với người dân vùng biển, thúng là phương tiện vận chuyển rất đổi bình thường trong hoạt động hàng ngày, tuy nhiên khi sinh hoạt này được nâng tầm như một môn thể thao để thi thố tài năng, lắc thúng đã trở thành một nét văn hoá độc đáo thu hút sự hiếu kỳ của đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Các vận động viên đang tranh tài trong phần thi lắc thúng

2.2. Thi đan lưới

Đan lưới là một trong những trò chơi truyền thống của ngư dân miền biển. Phần thi đan lưới là sự tham gia, thi tài rất sôi nổi của những ngư dân khéo tay nhất trên địa bàn. Đây là phần thi thể hiện sự khéo léo, nhanh nhẹn của những ngư dân có có tay nghề đan lưới xuất sắc nhất, qua đó thể hiện nét đẹp lao động trong việc tự tay sản xuất các ngư cụ để ra khơi đánh bắt của ngư dân Nhơn Hải, những người đã gắn bó với nghề biển từ bao đời nay.

Thể lệ hội thi gồm, trong thời gian 30 phút, các đội dự thi cùng thực hiện đan một tấm lưới tự gây mối và có chiều rộng là 30 mặt, các mắt lưới phải đảm bảo không được chạy, nhốt mặt và thiếu mặt, đan 2 ngoai 1 thắt, đội nào đan dài nhất, đều mắt lưới và chặt nút đảm bảo cho tấm lưới chắc chắn,  không vi phạm thể lệ cuộc thi sẽ thắng cuộc.

Các Ngư dân đang thể hiện tranh tài đan lưới

2.3. Thi kéo co trên cát

Thường trong lễ hội cổ truyền, thì trò chơi kéo co thường không thể thiếu, thể hiện tinh thần tập thể, tính kỷ luật, sức mạnh đoàn kết của cả cộng đồng, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức mạnh dẻo dai, sự khôn khéo và sức chịu đựng của con người, giúp con người phát triển toàn diện về trí, đức, tài, nghệ

Một cuộc thi kéo co có 2 đội, số lượng người đều nhau. 2 đội sẽ nắm vào một sợi dây thừng, ở điểm giữa của dây được đánh dấu bằng một dây lụa đỏ làm mốc. Khi hiệu lệnh vang lên, các thành viên của mỗi đội chơi nắm chặt hai tay vào dây, đội nào kéo điểm đánh dấu sang phía mình là đội đó thắng cuộc. Mỗi cuộc thi đấu gồm 3 hiệp, đội nào thắng liên tiếp 2 hiệp thì đội đó giành phần thắng, không cần thi đấu hiệp thứ 3. Mỗi hiệp thường không kéo dài quá 2 phút, nên đòi hỏi các thành viên của các đội chơi phải rất nỗ lực.

Các vận động viên đang tranh tài trong phần thi kéo co

MỘT SỐ HÌNH ẢNH THAM GIA GIAO LƯU CỦA ĐOÀN CÔNG TÁC

TrungVo

Để lại một bình luận

Dark mode